“Giải mã” giao dịch NĐT nước ngoài

“Giải mã” giao dịch NĐT nước ngoài

(ĐTCK-online) Theo thống kê của CTCK Thăng Long, trong 4 tháng đầu năm, khối NĐT nước ngoài đã mua ròng lượng cổ phiếu trị giá gần 230 triệu USD. Tính đến ngày 7/5, chuỗi mua ròng của khối ngoại kéo dài sang phiên thứ 25 liên tiếp, tập trung vào các cổ phiếu lớn. Đâu là lý do của động thái giao dịch này, trong khi các NĐT nội lại hướng sự quan tâm vào các cổ phiếu nhỏ?

Gương mặt NĐT ngoại

Khối ngoại không phải là một chủ thể đồng nhất, mà bao gồm nhiều "gương mặt", có thể sắp xếp theo thứ tự giảm dần về mức độ ảnh hưởng. Đầu tiên và quan trọng nhất là các quỹ đóng, thời gian hoạt động từ 5 - 10 năm, huy động vốn quốc tế để đầu tư vào Việt Nam. Trong số này có các tên tuổi lớn, đã gắn bó lâu dài với thị trường như Dragon Capital (DC), VinaCapital, MekongCapital, Phanxipang (PXP)... Hơn một năm qua, các quỹ này đều công bố kế hoạch huy động vốn mới. Tuy nhiên, đại diện một quỹ đầu tư cho biết, nhiều quỹ có tham vọng gọi thêm vốn mới, nhưng không có nhiều tiền mới. Thời gian gần đây, việc tái cơ cấu của các quỹ đã hoạt động lâu năm diễn ra khá đều đặn. Hai quỹ thuộc DC là Amersham Industries Ltd và Vietnam Dragon Fund Ltd thoái toàn bộ vốn tại CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng TP. HCM (CII); PXP giảm tỷ lệ sở hữu nhiều mã cổ phiếu: SAV, VHG, TMS, SSC, KSB, GIL...

Thứ hai, các định chế tài chính như HSBC, Citigroup, Deustche Bank, JP Morgan ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trên TTCK Việt Nam, với các nghiệp vụ về chứng khoán: lưu ký, ủy thác đầu tư… Giao dịch qua tài khoản của các định chế tài chính này giúp NĐT ngoại không cần phải mở tài khoản nhưng vẫn đặt được lệnh mua - bán. Thị trường không thể biết chủ nhân thực sự của các lệnh mua bán cổ phiếu xuất phát từ các định chế tài chính lớn này. Đơn cử, quỹ đầu tư của một trong các "ông trùm" trong làng tài chính thế giới George Soros đã mua (với mục đích thử nghiệm) 5% số cổ phần VNM, tuy nhiên đứng tên chính danh hiện nay lại là một định chế tài chính khác.

Một số tổ chức lớn còn phát hành các chứng chỉ đầu tư  (P-Notes). Về cơ bản, các ngân hàng đầu tư nước ngoài đã mua một lượng lớn cổ phiếu Việt Nam, thường là các cổ phiếu hàng đầu, được gói lại thành một sản phẩm phái sinh (ở đây là P-Notes) để bán cho các NĐT nước ngoài. Các sản phẩm này thực chất là một công cụ đầu tư gián tiếp, với sự đảm bảo hai chiều đã loại bỏ phần lớn rủi ro thanh khoản so với đầu tư trực tiếp. Nhóm đối tượng NĐT này mới là nhân tố năng động, chiếm thế thượng phong.

Thứ ba là các quỹ đầu tư dành cho các thị trường mới nổi và quỹ khu vực, phân bổ một tỷ lệ nhất định trong danh mục đầu tư vào TTCK Việt Nam, nhưng không mang tính liên tục. Họ mở tài khoản và có các nghiên cứu riêng về thị trường. Tại các thời điểm thích hợp, họ có thể trở thành nhân tố tạo nên sự đột biến về giá trị giao dịch của khối ngoại. Tuy nhiên, dòng vốn này mang tính linh hoạt cao như nhóm thứ hai và không ổn định. Gần đây, có một số quỹ mới lần đầu tiên xuất hiện và "xung trận" tại TTCK Việt Nam.

Cuối cùng là các NĐT cá nhân nước ngoài đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… Họ không gây nhiều ảnh hưởng, nhưng tạo ra sự đa dạng trong giao dịch của khối ngoại.

 

Mối quan tâm của NĐT ngoại

Hiện tại, trong khi nhiều NĐT nội địa, kể cả bộ phận tự doanh của các CTCK mải mê đuổi theo từng con sóng của VN-Index, thì hoạt động mua bán của khối ngoại vẫn bị chi phối chủ yếu bởi các yếu tố vĩ mô. Theo các chuyên gia, cũng như một số NĐT nước ngoài chia sẻ, NĐT ngoại quan tâm trước hết đến tốc độ tăng trưởng GDP, vì gốc rễ tăng trưởng bền vững của TTCK là tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, họ quan tâm đến lạm phát, xuất nhập khẩu, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế…, vì những vấn đề này tác động đến tỷ giá. Ngoài ra, họ quan tâm đến chu kỳ vận động của VN-Index trong khung thời gian tương đối dài, vì TTCK Việt Nam vẫn có sự hạn chế về thanh khoản. NĐT nước ngoài mua bán cổ phiếu với giá trị hàng chục triệu USD/phiên có thể thị trường chung hấp thụ mà không gây ra xáo trộn lớn, nhưng sẽ là vấn đề nan giải nếu các giao dịch tập trung vào một vài mã cổ phiếu. Bên cạnh đó, sự quan tâm tới TTCK Việt Nam của NĐT tổ chức nước ngoài nằm trong mối liên hệ so sánh tương quan với các thị trường khu vực, mức độ hấp dẫn biểu hiện qua chỉ số P/E trung bình. Khi thông suốt các vấn đề tổng quan, NĐT nước ngoài mới quan tâm đến yếu tố cụ thể: "Mua chứng khoán nào?" - Câu hỏi thường trực đầu tiên của NĐT nội!

 

Mua Index theo vùng

Trong một email gửi cho các NĐT tổ chức hồi đầu tháng 4, một CTCK lớn khuyến nghị mua vào trong vùng VN-Index 500 - 520 điểm. Lý do là thị trường hội tụ đủ các yếu tố mà NĐT nước ngoài quan tâm: Chính phủ cam kết sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010; lần đầu tiên sau nhiều tháng, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do và niêm yết trong ngân hàng xích lại gần nhau; CPI tháng 3 cho thấy lạm phát đang dần trong vòng kiểm soát; VN-Index đi lên zic-zắc theo cách của một thị trường tăng giá…

Nhận thấy cơ hội đầu tư khi các yếu tố vĩ mô ổn định trở lại, ngay lập tức một bộ phận NĐT nước ngoài đã hành động một cách dứt khoát. Họ nhất quán mua ròng mạnh mẽ từ đầu tháng 4 tới nay, tập trung vào các cổ phiếu blue-chip,  biến động giá cùng chiều với VN-Index. Khi VN-Index tiến tới gần mốc 520 điểm thì có sự do dự, giá trị mua ròng từ mức vài trăm tỷ đồng/phiên giảm xuống còn vài chục tỷ đồng/phiên. Ngày 21/4, VN-Index tăng ngoạn mục 10 điểm, phá vỡ kênh trên theo phân tích kỹ thuật, khiến vùng mua của tổ chức nước ngoài được khuyến cáo mở rộng, cận trên là 540 điểm. Thực tế, họ tiếp tục tăng mua. Đầu tháng 5, lần đầu tiên trong nửa năm qua, VN-Index vượt 540 điểm, giao dịch của NĐT nước ngoài lại một lần nữa chùng xuống.

NĐT có tiếp tục mua ròng và bao giờ bắt đầu chuỗi ngày bán ròng? Điều này là ẩn số, nhưng có thể nói, thận trọng mua Index theo vùng, NĐT nước ngoài đang "nằm lòng" quy luật phục hồi của TTCK.