Nhìn từ góc độ điều hành chính sách tiền tệ, trong khi các nước đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền, hoặc giảm lãi suất cơ bản nhằm kích thích kinh tế và thu hút xuất khẩu, thì Việt Nam dù không phát ngôn chính thức cũng không thể ngoại lệ.
Bởi lẽ, nếu không duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ có các hệ lụy sau xảy ra với nền kinh tế.
Một là, xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng, ảnh hưởng tới cán cân thanh toán và GDP.
Hai là, dòng vốn đầu cơ hưởng chênh lệch tỷ giá (carry trade) dồn vào Việt Nam, đẩy giá VND lên, trong khi lãi suất không thay đổi, duy trì trạng thái cao hơn tương đối so với quốc tế sẽ làm cho nhập siêu tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới công tác dự báo, điều hành và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Nguy hiểm hơn, khi dòng vốn carry trade rút ra (khó có thể dự báo được thời điểm) có thể gây cú sốc tỷ giá cho nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm - Việt Nam có xu hướng nhập khẩu nhiều.
Nhìn vào kết dư dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt kỷ lục 71 tỷ USD cuối quý III/2019, càng có cơ sơ để duy trì lãi suất cơ bản thấp và các công cụ chính sách tiền tệ nới lỏng, để tránh làm VND lên giá.
Chính các động thái từ chính sách tiền tệ là tín hiệu cho chính sách tài khóa trong việc huy động trái phiếu chính phủ.
Đứng từ quan điểm điều hành chính sách tài khóa, giải ngân đầu tư công năm 2019 rất chậm. Tính đến hết tháng 7, giải ngân đầu tư công trên cả nước mới đạt 31,32% kế hoạch.
Trước tình hình cầu chi đầu tư không có, ứ đọng ngân sách đầu tư, cộng thêm với chính sách tiền tệ nới lỏng, xu hướng giảm lãi suất trái phiếu chính phủ nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.
Vậy tại sao lãi suất trái phiếu chính phủ, lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất trên thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước giảm, mà lãi suất huy động trên thị trường I (huy động vốn của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế) không giảm?
Thực tế, cuộc đua giành thị phần huy động chưa bao giờ hết nóng. Các ngân hàng bắt buộc phải duy trì một mức lãi suất đủ hấp dẫn người gửi tiền để tránh bị giảm thị phần, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.
Bởi lẽ, ngoài việc phải cạnh tranh giữ thị phần thì mốc áp dụng Basel II với các ngân hàng ngày càng đến gần, nếu các ngân hàng nhỏ để mất thị phần huy động, đồng nghĩa với nguy cơ không đáp ứng đủ điều kiện Basel II.
Chỉ có một sự bất thường ở đây, đó là không có sự liên thông giữa thị trường II (thị trường tiền tệ liên ngân hàng) với thị trường I.
Ở thị trường II, lãi suất rẻ nhưng phải có công cụ tài chính bán repo (bán và cam kết mua lại) cho Ngân hàng Nhà nước, hoặc chỉ huy động được kỳ hạn qua đêm (overnight) và 1 tuần.
Điều rất khó đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, những ngân hàng không có nhiều tài sản tài chính để repo, cũng như không có tiền gửi vãng lai để kinh doanh trên thị trường II. Hầu như chỉ có các ngân hàng lớn mới tận dụng được lợi thế này.
Với lợi thế huy động được giá rẻ từ hoạt động kinh doanh nguồn trên thị trường II, các ngân hàng lớn thu lợi từ chênh lệch lãi suất khi dùng tiền này đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Hoặc bản thân các ngân hàng lớn có nhiều khách hàng doanh nghiệp, số dư trên tài khoản vãng lãi lớn, có thể dùng tiền này mua trái phiếu chính phủ, sau đó repo trên thị trường OMO.
Trường hợp dùng số dư tài khoản vãng lai để kinh doanh trên thị trường overnight, ngân hàng vẫn có lãi, dựa trên quy mô tiền gửi vãng lai đang quản lý. Khi có nguồn tiền vãng lai đủ lớn, kinh doanh nguồn có thể đem lại nhiều lợi nhuận hơn các dịch vụ ngân hàng.
Tình trạng trên kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Chi phí đầu tư kinh doanh của toàn xã hội tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước so với nhập khẩu nước ngoài, cũng như so với việc xuất khẩu ra nước ngoài.
Thị trường II, thị trường OMO thực chất là thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng cho nền kinh tế, tuy nhiên, trong trường hợp này lại chưa thực hiện được vai trò đó. Khoảng trống giữa 2 thị trường càng lớn, phản ánh mức độ phân hóa cấp độ của các ngân hàng càng lớn.