Thị trường chứng khoán lao dốc mạnh đã ảnh hưởng tới lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm

Thị trường chứng khoán lao dốc mạnh đã ảnh hưởng tới lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm

Giải mã đà suy giảm lợi nhuận khối phi nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù doanh thu vẫn tăng trưởng tốt, nhưng lợi nhuận 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hầu như đều đi lùi.

Bức tranh lợi nhuận 9 tháng kém tích cực

Số liệu thống kê kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ (cập nhật tới cuối tuần qua cho thấy), ngoại trừ Bảo hiểm Bảo Minh có sự “đồng thuận” về đà tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận thì các công ty còn lại ghi nhận diễn biến đối lập ở hai chỉ tiêu này.

Cụ thể, theo báo cáo tổng hợp của Bảo hiểm Bảo Minh, trong quý III, lợi nhuận sau thuế đạt gần 84 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà tăng trưởng đột biến này chủ yếu là nhờ trong kỳ, Công ty nhận được khoản cổ tức từ Công ty Bảo hiểm Liên hiệp.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Minh đạt 3.242 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 244 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 257 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tại Bảo hiểm PVI, tổng doanh thu 9 tháng ghi nhận 9.560 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận trước thuế đạt 436,2 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính riêng của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho thấy, trong quý III/2022, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.132 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 63,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 57% và 54% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, dù doanh thu phí bảo hiểm đạt xấp xỉ 3.221,5 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 32% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế của MIC lại giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, đạt 170.4 tỷ đồng.

Cùng thời gian, Bảo hiểm PJICO ghi nhận doanh thu hơn 2.283 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của hãng lại suy giảm tới 37% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 162 tỷ đồng.

Theo giải trình của PJICO, lợi nhuận suy giảm mạnh chủ yếu là do hoàn nhập dự phòng phí trong 9 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính 9 tháng lại sụt giảm, trong khi chi phí tài chính tăng thêm so với cùng kỳ. Tỷ lệ bồi thường thuần tháng 9 cũng tăng thêm.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý III và 9 tháng của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng cho thấy bức tranh tương tự. Cụ thể, doanh thu 9 tháng đạt 2.689 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt hơn 2.551 tỷ đồng, tăng 39%. Tuy vậy, lợi nhuận lại diễn biến trái chiều, chỉ đạt hơn 56 tỷ đồng trong quý III, giảm hơn 46% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng tới 69%, lên 530 tỷ đồng; chi phí hoạt động tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt là 30% và 58%, lên 10,4 tỷ và 156 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế của BIC đạt 183 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.

Bảo hiểm Bưu điện (PTI) thậm chí còn kém tích cực hơn, khi báo lỗ 197 tỷ đồng trong quý III và lỗ 349 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Báo cáo tài chính quý III/2022 của PTI cho thấy, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng 6%, đạt 3.958 tỷ đồng, song chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng gần 810 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 25% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu từ kinh doanh bất động sản đầu tư của Công ty giảm 77%, doanh thu hoạt động tài chính giảm 21%.

Theo giải trình của PTI, nguyên nhân chính dẫn tới thua lỗ là do Công ty phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” (bảo hiểm bệnh Covid-19). Dịch bệnh bùng phát mạnh nên số tiền PTI chi trả lớn hơn nhiều số phí thu được. Tổng chi bồi thường bảo hiểm 9 tháng năm 2022 tăng hơn 377 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương mức tăng 31%.

Kỳ vọng tích cực trong dài hạn

Bảo hiểm Bưu điện (PTI) báo lỗ 197 tỷ đồng trong quý III và lỗ 349 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Theo các chuyên gia trong ngành tài chính, phần lớn lợi nhuận của các công ty bảo hiểm đến từ hoạt động đầu tư. Danh mục thường tập trung chủ yếu vào tiền gửi và trái phiếu (khoảng 90%), còn lại đổ vào cổ phiếu, bất động sản...

Việc các tài sản đầu tư (chứng khoán, bất động sản) suy giảm mạnh giá trị trong 9 tháng đầu năm 2022 đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Ngoài ra, còn có hai nguyên nhân quan trọng khác khiến lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đi xuống trong 9 tháng đầu năm 2022. Thứ nhất là tỷ lệ bồi thường đã tăng trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội. Thứ hai là khi doanh thu tăng thì việc trích dự phòng bồi thường cũng tăng. Nếu những năm tới, tỷ lệ tổn thất thấp thì các khoản dự phòng này sẽ được hoàn nhập, có thể giúp gia tăng lợi nhuận trở lại cho các công ty bảo hiểm. Chính vì thế, dù bức tranh lợi nhuận hiện tại kém tươi sáng, nhưng trong dài hạn, lợi nhuận ngành này được kỳ vọng vẫn tốt.

Bảo hiểm là ngành có tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế, do đó, chịu ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chung của thị trường. Nhóm bảo hiểm đồng thời được nhận định là hưởng lợi nhiều khi lãi suất huy động có xu hướng tăng cao trong thời gian tới đây. Nên nhìn dài hạn hơn, Công ty Chứng khoán SBS vẫn đánh giá đây là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng và khá ổn định.

Thời điểm này, các công ty bảo hiểm đẩy mạnh hoạt động phân phối sản phẩm trên kênh thương mại điện tử; tái tục các hợp đồng tái bảo hiểm đảm bảo an toàn, hiệu quả cũng như tìm kiếm các đối tác bán hàng mới để về đích kế hoạch kinh doanh năm.

Chẳng hạn, mới đây, PTI tiếp tục ký kết hợp tác với Droppii nhằm phân phối các sản phẩm bảo hiểm của PTI qua nền tảng thương mại điện tử này. Được biết, các sản phẩm bảo hiểm do PTI cung cấp sẽ là những sản phẩm dịch vụ đầu tiên có mặt trên nền tảng Droppii.

Trong khi đó, Bảo hiểm VietinBank - VBI đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hyundai Marine & Fire Insurance (HMFI). Với sự đồng hành của HFMI - công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn thứ 2 tại Hàn Quốc, VBI sẽ được bổ sung nguồn lực phát triển kinh doanh, mở rộng sản phẩm và thu hút các khách hàng, đối tác FDI, đặc biệt là khách hàng, đối tác Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Đối với MIC, để gia tăng nguồn lực cho chuyển đổi số, doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.664,5 tỷ đồng lên 1.930,5 tỷ đồng qua chi trả cổ tức năm 2022, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP). Nguồn vốn mới, theo Hội đồng quản trị MIC, sẽ được đầu tư vào các dự án công nghệ thông tin trọng điểm, bảo hiểm số và gia tăng năng lực tài chính giúp Công ty hiện thực hóa khát vọng gia nhập nhóm 3 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu về thị phần trong năm 2026 và dẫn đầu về chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

Tin bài liên quan