Thị phần của Hoa Sen năm 2017 là 34,3%, giảm so với mức 40,5% năm 2012

Thị phần của Hoa Sen năm 2017 là 34,3%, giảm so với mức 40,5% năm 2012

Giải mã đà rơi sâu của cổ phiếu HSG

(ĐTCK) Ngày 30/5/2018 là thời điểm hết 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính 2017 - 2018 của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), nhưng chưa thấy Hoa Sen công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên. Trong bối cảnh giá cổ phiếu HSG lao dốc, áp lực tài chính lớn và kết quả kinh doanh suy giảm, thị trường đang chờ đợi báo cáo này để tìm lời giải.

Áp lực cạnh tranh lớn

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm tài chính 2017 - 2018 của Hoa Sen (bắt đầu từ ngày 1/10/2017), doanh thu thuần bán hàng của Tập đoàn đạt gần 15.550 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ niên độ tài chính trước (gần 11.980 tỷ đồng). Trong số này, doanh thu hợp nhất quý I/2018 (quý II niên độ tài chính) đạt 7.663 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 6.213 tỷ đồng.

Dù tăng trưởng doanh số so với cùng kỳ năm trước, nhưng quý I/2018 của Hoa Sen cho thấy khả năng bán hàng suy giảm so với quý liền trước, trái ngược với kết quả kinh doanh “quý sau cao hơn quý trước” trong những năm gần đây.

Không chỉ doanh số quý I/2018 bắt đầu bị thu hẹp, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hoa Sen sụt giảm mạnh. Quý I năm nay, Hoa Sen chỉ đạt 1.038 tỷ đồng lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong khi cùng kỳ năm 2017, doanh số thấp hơn, nhưng mang lại 1.156 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Thống kê dữ liệu (hợp nhất) của Hoa Sen cho thấy, tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu hợp nhất quý I/2017 là 18,61%, 6 tháng đầu niên độ tài chính 2016 - 2017 là 18,39%; quý I/2018 là 13,55%, 6 tháng đầu niên độ tài chính 2017 - 2018 là 16,65%. Diễn biến này cho thấy, Hoa Sen nhiều khả năng đã đạt đỉnh về khả năng sinh lợi từ niên độ tài chính 2016 - 2017 và niên độ tài chính 2017 - 2018, biên lợi nhuận của Tập đoàn có thể giảm mạnh.

Doanh thu theo quý của Hoa Sen đạt đỉnh vào 3 tháng cuối năm 2017 (quý I niên độ tài chính 2017 - 2018), nhưng biên lợi nhuận đã đạt đỉnh vào quý III/2016 (tỷ lệ hơn 26% lợi nhuận gộp trên doanh thu). Những con số này thể hiện hiệu quả kinh doanh đi xuống của Hoa Sen, mặt khác phản ánh sức ép cạnh tranh trong các lĩnh vực, sản phẩm mà Tập đoàn đang kinh doanh.

Thị phần giảm từ 40,5% năm 2012 xuống 34,3% năm 2017 cho thấy sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ của Hoa Sen. Trong bối cảnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, một doanh nghiệp lớn ngành thép tiếp tục lấn sân vào lĩnh vực tôn, khiến thị trường e ngại về khả năng sức ép cạnh tranh tiếp tục đè nặng lên Hoa Sen, có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Trong khi đó, thị trường chưa thấy động thái rõ ràng của Hoa Sen trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một nhà phân phối tôn lớn tại thị trường miền Nam cho biết, cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày một lớn. Hiện nay, nếu so sánh sản phẩm cũng như chính sách bán hàng của Hoa Sen với các đối thủ khác, thì Hoa Sen không có quá nhiều lợi thế như trước.

Gần đây nhất, động thái mà nhiều nhà đầu tư nhìn thấy là Hoa Sen liên tục mở rộng chi nhánh tại các địa phương. Liệu đây có phải là một trong những chiến lược mà Hoa Sen sử dụng để tăng khả năng bao phủ thị trường? Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi những bước đi chiến lược rõ ràng hơn trong việc giải bài toán cạnh tranh của Tập đoàn.

Chi phí khấu hao, lãi vay “ăn” hết lợi nhuận

Áp lực cạnh tranh bên ngoài làm giảm biên lợi nhuận. Thế nhưng, chiến lược đầu tư cùng cấu trúc tài sản, tài chính hiện nay của Hoa Sen cũng là một yếu tố khiến chi phí khấu hao, chi phí lãi vay “ăn” hết lợi nhuận của Tập đoàn.

6 tháng đầu năm tài chính 2017 - 2018, chi phí lãi vay của Hoa Sen là hơn 387 tỷ đồng, gấp 2 lần so với con số gần 194 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm tài chính 2016 - 2017; lợi nhuận gộp hầu như không tăng (đạt trên 2.200 tỷ đồng), trong khi chi phí lãi vay tăng mạnh là điểm đáng quan ngại.

Tại ngày 1/10/2017, Hoa Sen có 9.015 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.836 tỷ đồng vay/thuê tài chính dài hạn. Đến 31/3/2018, các con số này tăng tương ứng lên mức 12.646 tỷ đồng và 3.149 tỷ đồng.

Niên độ tài chính 2016 - 2017, cùng khoảng thời gian trên, vốn vay ngắn hạn của Hoa Sen tăng tương ứng từ 4.102 tỷ đồng lên 8.914 tỷ đồng và vay/thuê tài chính dài hạn giảm từ mức 385 tỷ đồng về 272 tỷ đồng.

Áp lực lãi vay là điều dễ hiểu khi Hoa Sen thực hiện mở rộng đầu tư trong bối cảnh không huy động thêm vốn chủ sở hữu bằng chào bán cổ phiếu và dòng tiền thặng dư từ hoạt động kinh doanh không cải thiện nhiều so với các kỳ trước đó.

Tại ngày 1/10/2016, Hoa Sen có 4.145 tỷ đồng nguyên giá tài sản cố định hữu hình, 288 tỷ đồng nguyên giá tài sản cố định vô hình; giá trị còn lại sau khấu hao là 2.793 tỷ đồng. Đến ngày 31/3/2018, nguyên giá tài sản cố định hữu hình của Tập đoàn là 10.947 tỷ đồng, nguyên giá tài sản thuê tài chính là 190 tỷ đồng, nguyên giá tài sản cố định hữu hình là 350 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản cố định sau khấu hao của Hoa Sen là 7.546 tỷ đồng, lớn gấp nhiều lần 1 năm rưỡi trước đó. Trong khi đó, Tập đoàn vẫn đang đầu tư xây dựng cơ bản, với giá trị xây dựng cơ bản dở dang 1.121 tỷ đồng.

2 tháng qua, nhiều cổ phiếu giảm giá trên 50%, gấp 2 - 3 lần mức giảm của VN-Index 

Không có thuyết minh chi tiết các tài sản cố định ở hạng mục nào, sử dụng cho mục đích sản phẩm nào, nhưng các số liệu trên cho thấy, Hoa Sen đang kỳ vọng vào việc mở rộng kinh doanh, dù áp lực chi phí tăng mạnh, doanh số bắt đầu giảm và hàng tồn kho tăng đột biến.

6 tháng đầu năm tài chính 2017 - 2018, Hoa Sen trích khấu hao tài sản cố định và bất động sản đầu tư 468 tỷ đồng, tương đương 21% tổng lợi nhuận gộp mà Tập đoàn đạt được. Hàng tồn kho tăng lên mức 9.889 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các năm trước đó, chiếm 41,25% tổng tài sản, bằng 178,57% vốn chủ sở hữu của Tập đoàn ở cùng thời điểm.

Nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu

Ban lãnh đạo Hoa Sen có lý do trong việc đưa ra các kế hoạch kinh doanh Hoa Sen, trong đó bao gồm chiến lược đầu tư, kế hoạch sản xuất, bán hàng cũng như việc sử dụng các công cụ tài chính và có thể sẽ phát huy hiệu quả, nhưng nhiều nhà đầu tư thấy lo khi tình trạng tài chính của Tập đoàn cho thấy tín hiệu rủi ro vì yếu tố đòn bẩy tài chính cao (hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu bằng 2,85 lần).

Đối với các nhà đầu tư, vấn đề khiến họ quan tâm về mặt kinh doanh của Hoa Sen là cạnh tranh từ bên ngoài, đầu tư quá nhiều ở bên trong, áp lực vay nợ lớn, nghi vấn mâu thuẫn lợi ích khi Tập đoàn có giao dịch lớn thông qua công ty riêng của lãnh đạo/cổ đông lớn.

Còn về thị trường, nhà đầu tư lo ngại khi thấy nhiều cổ đông nội bộ của Hoa Sen đồng loạt bán ra cổ phiếu. Chẳng hạn, công ty của vợ cũ ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen) là Tâm Thiện Tâm đã thoái sạch vốn tại Hoa Sen, dù giá cổ phiếu chưa bằng 1/3 của 1 năm về trước. Trước đó, giữa năm 2017, ông Lê Phước Vũ và công ty riêng đã bán ra một lượng rất cổ phiếu HSG. Cả ông Vũ và công ty riêng có đăng ký mua lại cổ phiếu sau đó, nhưng với khối lượng nhỏ hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu HSG.

Lãnh đạo một quỹ đầu tư thậm chí đặt câu hỏi: Liệu Hoa Sen có phải đối mặt với bài toán tồn tại hay không tồn tại, khi bức tranh tài chính đang chuyển dần sang màu xám? Quý I/2018, Hoa Sen lãi 87 tỷ đồng sau thuế. Nếu tình trạng kinh doanh không cải thiện, việc từ lãi khiêm tốn chuyển sang lỗ là điều có thể xảy ra.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu HSG từ gần 23.000 đồng/cổ phiếu ngày 10/4/2018 hiện giảm xuống quanh mức 11.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan