Giải mã cơn sóng ngầm tăng lãi suất

Giải mã cơn sóng ngầm tăng lãi suất

Sau một thời gian dài im ắng, tuần qua, các ngân hàng lớn đã gia nhập làn sóng tăng lãi suất huy động.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, thanh khoản hệ thống đang rất tốt, song thực tế, chỉ tiêu huy động vốn đang nóng trở lại đối với cán bộ tín dụng nhiều ngân hàng.

Lãi suất thực dương đang “cao nhất thế giới”

Sau khi các ngân hàng BIDV và VietinBank nhập cuộc tăng lãi suất huy động, hiện mặt bằng lãi suất huy động của khối ngân hàng TMCP và ngân hàng thương mại nhà nước đã kéo sát gần nhau. Dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, lãi suất không có cơ sở để tăng mạnh.

"Việc một số ngân hàng tăng lãi suất chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh, chứ không phải là xu hướng" - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Bùi Quốc Dũng.

“Lạm phát 3 tháng đầu năm chưa đến 1%, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm đang ở mức 7%/năm. Như vậy, lãi suất tiền gửi thực dương ở nước ta đang ở mức tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ cho vay/vốn huy động (LDR) vẫn dưới 80%, chứng tỏ thanh khoản của hệ thống dồi dào, ngân hàng không thiếu tiền. Như vậy, việc một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất thời gian qua mang tính cục bộ. Tôi cho rằng, trước đây, hệ thống ngân hàng thừa quá nhiều tiền, nên đã đẩy lãi suất huy động xuống quá sâu, nên giờ tăng thêm một chút, chứ về mặt xu hướng, chắc chắn năm nay lãi suất không thể tăng mạnh”.

Đồng tình với ý kiến này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tuy tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi, song các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, tín dụng chưa thể tăng trưởng mạnh. Chưa kể, so với khu vực, lãi suất cho vay ở nước ta vẫn ở mức rất cao. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, sản xuất - kinh doanh vừa mới chớm hồi phục có nguy cơ bị dập tắt, khi đó, ngân hàng cũng sẽ phải gánh hệ lụy.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) khẳng định, việc một số ngân hàng tăng lãi suất chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh, chứ không phải là xu hướng. NHNN chưa thấy các yếu tố thanh khoản và lợi nhuận biên ròng đột biến để gây áp lực lên lãi suất.

Sóng ngầm từ các khoản vay trung, dài hạn

Trong khi đó, nhiều cán bộ tín dụng ngân hàng cho hay, suốt nửa năm nay, chỉ tiêu huy động vốn đã “căng” trở lại, đặc biệt là từ khi NHNN đưa ra Dự thảo sửa đổi Thông tư 36.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, dù thanh khoản hệ thống ngân hàng nói chung chưa đến mức rủi ro, song nhìn vào một số khía cạnh thì rất đáng báo động. Cụ thể, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tín dụng trung và dài hạn tăng quá nhanh (31,8%) và chiếm tới 55%, trong khi vốn huy động trung và dài hạn chỉ 10%, đang tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. “Nếu nhà điều hành không có giải pháp điều chỉnh kịp thời, thì các ngân hàng sẽ lâm vào khó khăn thanh khoản, sức khoẻ tiếp tục ‘mong manh’ và không thể được coi là trụ cột, bệ đỡ bền vững của nền kinh tế”, ông Vũ Viết Ngoạn cảnh báo.

Giới chuyên gia cho rằng, việc hệ thống ngân hàng dành quá nhiều vốn cho các dự án bất động sản, hạ tầng, giao thông và đổ quá nhiều tiền vào trái phiếu chính phủ 2 năm qua đã khiến dòng tiền trung, dài hạn căng thẳng, tạo nên những cơn sóng ngầm về lãi suất. 

Chỉ riêng năm 2015, số vốn dành cho các dự án giao thông, xây dựng lên tới hơn nửa triệu tỷ đồng. Điều đáng nói là, trong khi bất động sản có dấu hiệu phục hồi, thanh khoản khá tốt, thì vốn đổ vào các dự án giao thông (BOT, BT) lại đang nảy sinh rất nhiều vấn đề như: chậm tiền độ, tăng tổng mức đầu tư, nhiều dự án BOT, BT đã đi vào sử dụng nhưng nguồn thu phí thấp hơn nhiều so với dự toán…, khiến khả năng trả nợ ngân hàng bị ảnh hưởng.

Trước tình trạng trên, từ năm 2015, NHNN đã cảnh báo về tín dụng giao thông và đang tính thắt chặt quản lý rủi ro với tín dụng bất động sản, đồng thời giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40%. Tuy nhiên, riêng tín dụng đổ vào trái phiếu chính phủ không có dấu hiệu giảm mà vẫn tăng, nhất là khi ngân sách tiếp tục bội chi cao. Tuần qua, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ trên sàn HNX đạt lên tới 96,6%. Độ rủi ro bằng 0, lãi suất trái phiếu chính phủ lên đến 6,3-6,4%/năm cho kỳ hạn 5 năm khiến các ngân hàng dồn dập gom vào trái phiếu chính phủ.

“Việc các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ ‘quá trời’ chính là lý do khiến lãi suất trung, dài hạn trên thị trường liên tục tăng thời gian qua”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Tin bài liên quan