Có nhiều cơ sở để kỳ vọng VN-Index lập đỉnh mới trong những tháng cuối năm 2017

Có nhiều cơ sở để kỳ vọng VN-Index lập đỉnh mới trong những tháng cuối năm 2017

Giải mã chuyện VN-Index “xanh vỏ, đỏ lòng”

(ĐTCK) VN-Index đã chinh phục ngưỡng 800 điểm trong sự bất ngờ của không ít nhà đầu tư. Bất ngờ nữa là dù chỉ số chung tăng mạnh, nhưng đại bộ phận nhà đầu tư không có lãi nhiều, thậm chí lỗ.

Bất thường hay bình thường?

Thị trường chứng khoán trong nước đã có chuỗi hơn chục phiên tăng điểm liên tiếp, bất chấp những thông tin vĩ mô bất lợi, cũng như tâm lý thận trọng từ phía nhà đầu tư và một số chuyên gia phân tích. Chỉ số VN-Index lập đỉnh 800 điểm là một bất ngờ, nhờ nỗ lực kéo chỉ số của nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Lệnh mua tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn để kéo chỉ số chung đi lên thể hiện qua thanh khoản giảm sút. Thị trường xuất hiện hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”, chỉ số chung tăng, trong khi đa số cổ phiếu đang niêm yết lại trong đà giảm giá.

Về mặt kỹ thuật, vùng 800 (+/- 5 điểm) là ngưỡng kháng cự mạnh với chỉ số VN-Index khi lực bán tỏ ra chiếm ưu thế so với lực mua vào. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB, GAS, BVH, MSN… ngừng tăng điểm và các cổ phiếu midcap và penny giao dịch đi ngang sẽ là lúc thị trường có nhịp điều chỉnh ngắn.

Một số cổ phiếu vừa và nhỏ có kết quả kinh doanh khả quan quý III cũng sẽ có diễn biến giao dịch sôi động, nơi mà dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa. VN-Index cần có một nhịp điều chỉnh quanh vùng 800 điểm một thời gian trước khi leo lên các ngưỡng kháng cự như 820, 860 điểm.

Giai đoạn bứt phá thời gian tới sẽ là cơ hội của các cổ phiếu lớn và cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt “lên tiếng”.

Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” hiện nay cũng không phải là điều khó giải thích, bởi VN-Index vượt đỉnh mới hầu như mang dấu ấn của các cổ phiếu vốn hóa lớn, những cổ phiếu vốn không phải là mục tiêu hướng tới của các nhà đầu cơ ngắn hạn (số lượng giao dịch ngắn hạn trên thị trường chiếm khoảng 70 – 80% so với các lệnh mua của khối khách hàng tổ chức hoặc các quỹ đầu tư trong và ngoài nước).

Theo lý thuyết sóng Elliot kết hợp với quan sát diễn biến các xu hướng lớn xuất hiện trên thị trường thì những giai đoạn chân một cơn sóng lớn (trend primary) hoặc giai đoạn vượt đỉnh mới, khối lượng giao dịch không hẳn vượt trội.

Đôi khi xuất hiện hiện tượng khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh – giai đoạn test đỉnh mới sẽ xuất hiện ngay sau đó (giai đoạn điều chỉnh) sẽ kéo dài 3 - 15 phiên giao dịch trước khi toàn thị trường quay lại xu hướng tăng với khối lượng giao dịch tăng vọt và chỉ số chứng khoán trung bình lại đạt ở mức giá mới.

Điều này giải thích rằng những cổ phiếu lớn trong các trend lớn sẽ tăng giá trước, sau đó sẽ kéo theo các cổ phiếu lớn dẫn sóng tăng giá đồng pha với các cổ phiếu vừa và nhỏ. Đây có thể giải thích cho việc tại sao hiện nay các cổ phiếu lớn tăng điểm, trong khi các nhóm cổ phiếu khác thì không.

Chọn chiến lược đầu tư nào?

Rõ ràng, thị trường chứng khoán thường xuyên cổ súy cho trường phái đầu cơ cổ phiếu, khi mà kết quả lãi, lỗ trong ngắn hạn của doanh nghiệp tác động ngay lập tức lên giá cổ phiếu. Nhà đầu tư thường chạy theo sự tăng giá nhất thời của các cổ phiếu đầu cơ hoặc các cổ phiếu có thông tin hỗ trợ. Việc giao dịch mạo hiểm này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ cũng như kinh nghiệm của các nhà đầu tư.

Ngược lại với chiến lược đầu tư này là trường phái mua và nắm giữ các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt với thời gian đủ lâu. Đây là các nhà đầu tư không chạy đua theo lợi nhuận ngắn hạn của thị trường, mà “đặt cửa” vào các cổ phiếu có tiềm năng với tầm nhìn đầu tư ít nhất là 3 tháng trở lên.

Các nhà đầu tư có lãi giai đoạn vừa qua có thể xếp vào nhóm nhanh nhạy với thị trường, chớp được cơ hội tăng giá của các cổ phiếu lớn hoặc may mắn mua được các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt ở vùng giá thấp. Hiệu quả đầu tư của những nhà đầu tư thuộc nhóm này sẽ tiếp tục kéo dài khi mà thị trường vẫn tiếp tục xu hướng tăng.

Giai đoạn từ nay đến cuối năm, triển vọng của thị trường chứng khoán trong nước vẫn khả quan. Thanh khoản của thị trường từ đầu năm đến nay tăng hơn 13% so với thanh khoản trung bình của năm 2016. Sau khi vượt qua vùng 800 điểm, VN-Index có thể tăng tiếp lên vùng 850 – 860 điểm trong giai đoạn cuối năm 2017.

Điều này không phải không có cơ sở khi số lượng doanh nghiệp niêm yết mới sẽ tiếp tục gia tăng từ nay đến cuối năm từ 50 – 60 doanh nghiệp (theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) – một nguồn cung cổ phiếu đáng kể được tung vào giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Một cơ sở quan trọng nữa cho nhận định lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán là dòng tiền của khối ngoại vào thị trường vẫn tiếp tục tích cực. Giao dịch của khối ngoại trong 8 tháng đầu năm đã đạt hơn 9.200 tỷ đồng.

Có thể nói, năm 2017 là một năm mua ròng của khối ngoại, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài. Dòng tiền của nhà đầu tư ngoại tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như PLX, SAB, ROS, GAS…

Bên cạnh thị trường cổ phiếu đang tỏ ra sôi động thì thị trường chứng khoán phái sinh cũng đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán phái sinh đi vào vận hành từ tháng 8/2017 được coi như là cú hích mạnh, giúp cải thiện thanh khoản chung cho toàn thị trường. Thanh khoản bình quân từ nay đến cuối năm dự báo đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016.

Nhìn chung, quý III và quý IV/2017 vẫn là giai đoạn thuận lợi cho đầu tư chứng khoán. Cổ phiếu các nhóm ngành được đánh giá có triển vọng tăng trong thời gian tới là xây dựng và vật liệu, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính, thực phẩm và ăn uống…

Bên cạnh chiến lược trading theo xu hướng giao dịch ở các cổ phiếu mạnh, tôi vẫn đánh giá cao việc mua vào và nắm giữ các cổ phiếu cụ thể bị định giá thấp hơn so với giá trị tài sản ròng hoặc đơn giản là các cổ phiếu bị định giá thấp thuộc các ngành: xây dựng và vật liệu, hóa chất, bảo hiểm, dịch vụ tiện ích, dầu khí…

Chỉ số VN-Index có thể vượt mốc 800, 820 điểm, thậm chí cao hơn trong những tháng cuối năm 2017. Tuy nhiên, chỉ số tăng hay giảm cũng không quan trọng bằng việc nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu gì, từ thời điểm nào và trong bao lâu.   

Tin bài liên quan