Giải mã chân dung nhân sự thành công trong thời suy thoái kinh tế

Giải mã chân dung nhân sự thành công trong thời suy thoái kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thu nhập cao, cơ hội thăng tiến hay trở thành một “tài sản” đáng giá của doanh nghiệp, đâu sẽ là thuộc tính trọng yếu trên thước đo thành công của một nhân sự trong một thế giới đầy biến động.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 3 năm 2023, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 6,3 nghìn người so với quý trước và tăng 22,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, tương đương cón số 1,08 triệu người thất nghiệp. Cũng theo báo cáo này cả nước có hơn 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 12,1% tổng số thanh niên). Như vậy, cứ 100 thanh niên sẽ có 12 người thất nghiệp.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng, nhưng trong một số lĩnh vực vẫn “khát” nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao có bằng cấp chuyên môn và kinh nghiệm làm việc. Đơn cử như trong lĩnh vực CNTT, theo “Báo cáo Thị trường IT Việt Nam năm 2023” do TopDev vừa phát hành, mặc dù lương trung bình tăng đáng kể đạt mức 32 triệu đồng/tháng nhưng dự đoán từ năm 2023 – 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ cần 700.000 nhân lực trong ngành CNTT.

Vậy đâu là bí quyết, công thức “chuẩn” để trở thành một nhân sự thành công, một “tài sản” đáng giá, không thể “đánh mất” của doanh nghiệp trong bối cảnh suy thoái kinh tế và gia tăng bất ổn địa chính trị trên toàn cầu? Làm thế nào để có ứng tuyển vào những vị trí có thu nhập cao, cơ hội thăng tiến tốt? Trình độ học vấn, kinh nghiệm chuyên môn, thâm niên làm việc có phải là những yếu tố trọng yếu quyết định sự thành công của một nhân sự?

Chia sẻ tại Hội thảo Phát triển sự nghiệp thời suy thoái kinh tế do Viện Quản trị & Công nghệ FSB thuộc Đại học FPT tổ chức mới đây, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ “chọi” trong tuyển dụng hiện nay tăng gấp 3 lần so với trước đây. Do đó, theo bà Ngọc Lan, nhân sự cần trang bị cho mình kỹ năng, kiến thức để thích ứng với “thời suy thoái kinh tế” và bằng cấp khá quan trọng, nó có thể quyết định đến vị trí cũng như thu nhập của ứng viên.

“Nhà tuyển dụng họ quan tâm đến cả bằng cấp và chứng chỉ của ứng viên. Do đó, bạn nên theo học các khóa học ngắn hạn, học dài hạn, và việc học nó cần đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Chúng ta cũng phải tìm hiểu các đơn vị đào tạo chất lượng, để đảm bảo được việc học đạt kết quả như mong muốn”, bà Ngọc Lan nhấn mạnh.

Bà Ngọc Lan cũng chia sẻ thêm về những lợi ích khi tham gia các khóa học MBA đó là học được rất nhiều từ bạn cùng học, học được những kinh nghiệm thực chiến, học được những giá trị đạo đức và nâng hạng thương hiệu cá nhân.

Còn theo ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT: “Thị trường lao động ngày hôm nay đã khác so với trước đây. Ví dụ trước đây, 1 kỹ sư khi ra trường chỉ cần biết hai ngôn ngữ: một là ngoại ngữ và hai là một ngôn ngữ lập trình. Nhưng bây giờ khác rồi, bạn không chỉ cần kiến thức được đào tạo ở trường Đại học mà bạn cần cập nhật kiến thức liên tục hoặc những bậc cao hơn như trình độ thạc sĩ. Để làm được điều này, bạn có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, các khóa học online đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành của mình. Nói chung là bạn cần học tập suốt đời, học từ những người thầy, học từ những đồng nghiệp trẻ của mình….”.

Từ kinh nghiệm thực tiễn làm tư vấn và trực tiếp thực hiện các chương trình tái định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ lựa chọn việc làm cho đội ngũ nhân sự trung cao cấp, bà Mai Thúy Hằng, Phó tổng giám đốc Sun Group “bật mí” tố chất cần phải có để có được cơ hội thăng tiến và phát triển sự nghiệp tại Sun Group đó là “các bạn sẵn sàng nhận việc thì lãnh đạo sẵn sàng giao”.

Với mong muốn tạo cơ hội học tập suốt đời cho các ứng viên, Viện Quản trị & Công nghệ FSB đang triển khai chương trình học bổng Nâng tầm lãnh đạo dành cho chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh SeMBA (chương trình đào tạo thạc sĩ ứng dụng phương pháp giáo dục STEM) và chương trình học bổng tìm Tìm kiếm chuyên gia công nghệ tương lai dành cho chương trình đào tạo thạc sĩ kỹ thuật phần mềm MSE. Tổng giá trị học bổng lên đến 16 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 9, FSB triển khai xuyên suốt chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ góp phần mang đến sự thành công cho hàng trăm học viên trong nhiều lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng; bất động sản, công nghệ …..

Tin bài liên quan