Trên thế giới, sản phẩm bảo hiểm tổ chức sự kiện như các hội thảo, hội họp, các giải đấu thể thao... đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng tại Việt Nam dường như vẫn vắng bóng. Bà có thể chia sẻ thông tin xung quanh vấn đề này?
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều sự kiện nói chung, các giải đấu thể thao nói riêng, buộc phải lùi thời hạn tổ chức, thậm chí phải hủy bỏ, gây thiệt hại lớn cho đơn vị đăng cai và các bên liên quan, trong đó nhà bảo hiểm cho các sự kiện này.
Đơn cử, theo các nguồn tin, do giải quần vợt Wimbledon 2020 bị hủy bỏ bởi Covid-19, ban tổ chức giải nhận được số tiền bồi thường lên đến 141 triệu USD nhờ gói bảo hiểm sự kiện đã mua từ trước đó.
Được biết, ban tổ chức giải Wimbledon đã chi 2 triệu USD mỗi năm cho gói hợp đồng bảo hiểm tổ chức sự kiện này trong trường hợp xảy ra đại dịch và hợp đồng được duy trì trong suốt 17 năm qua kể từ năm 2003, thời điểm xảy ra dịch SARS. Như vậy, tổng số tiền mà ban tổ chức giải đã chi cho gói bảo hiểm tính đến nay là 34 triệu USD.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh, Tổng giám đốc F.I.S Vietnam |
Hay với Olympic Tokyo, ban tổ chức sự kiện này được cho là đã bỏ ra 20 triệu GBP tiền phí bảo hiểm bảo vệ cho khoản đầu tư 800 triệu GBP mỗi kỳ Olympics mùa hè. Olympic Tokyo 2020 đã bị hoãn và dự kiến tổ chức lại vào đầu tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò gần đây của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK cho thấy, khoảng 80% người Nhật cho rằng Olympic nên bị hủy hoặc tiếp tục hoãn lại do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức khó lường.
Tại Việt Nam, nhiều sự kiện thể thao lớn nhỏ cũng buộc phải hoãn tổ chức hoặc hủy bỏ vì dịch bệnh, trong đó có giải đua xe ô tô công thức 1 (F1) Việt Nam - một sự kiện rất được chờ đợi sau nhiều năm chuẩn bị cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, và điều đáng nói là hầu hết đều không được cung cấp bảo hiểm trách nhiệm, tức là không được bảo hiểm.
Như đã nói ở trên, bảo hiểm tổ chức sự kiện cũng là một loại bảo hiểm trách nhiệm. Mở rộng hơn, bà đánh giá thế nào về bảo hiểm trách nhiệm tại Việt Nam?
Hiện nay, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm khá đa dạng như bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm công cộng…, nhưng việc mua bảo hiểm của các cá nhân, tổ chức lại rất bị động, tức là chỉ mua khi bị/được khách hàng yêu cầu. Nguyên nhân được chỉ ra một phần do nhận thức, đơn vị cung cấp sản phẩm ít hoặc phụ thuộc vào nhà tái bảo hiểm…, phần khác do mức phí cao và điều kiện bảo hiểm khá ngặt nghèo.
Bên cạnh đó, các mặt hàng được cung cấp bảo hiểm trách nhiệm cũng hạn chế. Chẳng hạn, với bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, mặt hàng được cấp bảo hiểm hiện chủ yếu là các mặt hàng xuất đi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… và chưa có tiêu chuẩn chung như mây đan, tre lá, quần áo... Nếu đa dạng hóa các mặt hàng được cấp bảo hiểm trách nhiệm, ví dụ như nông sản, thì ngoài các quy chuẩn quốc tế như VietGap, việc được bảo hiểm sẽ giúp những mặt hàng này gia tăng đáng kể sức cạnh tranh, từ việc chuẩn bị hồ sơ năng lực, hồ sơ đấu thầu..., đến việc thâm nhập thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Theo tôi, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện tại là thời điểm thích hợp để các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm trách nhiệm, qua đó khẳng định trách nhiệm với khách hàng cũng như cộng đồng. Hơn nữa, khi sự kiện rủi ro xảy ra, các chi phí liên quan, trong đó có chi phí phạt, hay các chi phí cho người bị hại, cho khách hàng… sẽ được nhà bảo hiểm chi trả tùy theo hợp đồng đã ký kết, giúp bên mua bảo hiểm vừa giảm tổn thất về tài chính, vừa gia tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ.
Rút kinh nghiệm từ vụ ngộ độc pa-tê Minh Chay, nếu doanh nghiệp này mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm thì chỉ cần ký thế quyền, nhà bảo hiểm sẽ thay họ đảm nhận trách nhiệm đối với các bên liên quan.
Hiện nay, không phải ngành nghề nào cũng phải mua bảo hiểm trách nhiệm, nhưng số thuộc diện bắt buộc cũng không nhiều. Theo bà, cần có thêm ngành nghề nào phải mua bảo hiểm trách nhiệm?
Theo quy định hiện hành, có 9 ngành nghề bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp thẩm định giá, tổ chức hành nghề công chứng, cơ sở và người hành nghề khám - chữa bệnh.
Để phát triển phân khúc bảo hiểm trách nhiệm nói chung, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nói riêng, theo tôi, những ngành nghề báo chí, kiến trúc sư, kỹ sư và tư vấn giám sát cũng nên quy định bắt buộc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi trước những nguy cơ rủi ro trong quá trình tác nghiệp.
Ngoài ra, những Facebooker, bloger, KOL (người có tầm ảnh hưởng đến công chúng)… cũng cần mua bảo hiểm này để khẳng định giá trị của mình cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Bởi trên thực tế, không phải ai muốn mua bảo hiểm là được chấp nhận, có không ít trường hợp bị từ chối do không đáp ứng đầy đủ điều kiện, năng lực.
Nếu được cấp bảo hiểm thì nhà bảo hiểm sẽ thu xếp bảo hiểm cho những thiệt hại nếu có cho bên thứ 3. Nhưng trên thực tế, có những ca bồi thường “tưởng không thật”, nhưng lại “thật không tưởng” đối với loại sản phẩm bảo hiểm này...
Đúng là như vậy. Còn nhớ, khi tôi tham gia khóa đào tạo sản phẩm bảo hiểm thời điểm mới ra đời nhiều năm trước tại một công ty bảo hiểm của Mỹ thì mới vỡ lẽ, chuyện vô lý cũng có thể xảy ra trong thực tiễn.
Đó là với sản phẩm bảo hiểm cho lò vi sóng, họ đã bồi thường toàn bộ chi phí kiện tụng cho thân chủ gốc Phi khi người phụ nữ này đã cho con chó của mình vào lò với suy nghĩ làm như vậy sẽ khiến lông của nó nhanh khô sau khi tắm. Tất nhiên, con chó bị chết sau đó và người này đã kiện nhà sản xuất với lý do bảng hướng dẫn sử dụng sản phẩm không hề ghi “Không được đưa động vật sống vào lò sấy”. Kết quả, bà đã thắng kiện và được bồi thường cho cả tổn hại về tinh thần, cảm xúc - những yếu tố khó định giá và đàm phán về chi phí. Sau vụ việc này, các công ty bảo hiểm Mỹ không cấp bảo hiểm cho sản phẩm này nữa và kể từ đó, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm điện, điện tử cũng được quy định cụ thể, chi tiết hơn.
Một ví dụ khác, cũng tại Mỹ, một khách hàng mua áo sơ mi và không may mác gắn ở cổ áo mắc vào cửa xe ô tô khi xuống xe dẫn đến tai nạn và làm thị lực bị tổn thương 25%. Người này sau đó đã kiện nhà sản xuất và thắng kiện, công ty bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị, bao gồm cả chi phí giảm thu nhập trong suốt thời gian còn lại của tuổi lao động. Ngoài ra, nhà bảo hiểm còn thanh toán các chi phí liên quan khác, kể cả chi phí thuê luật sư.
Những vụ việc trên tuy diễn ra đã lâu và ở thị trường phát triển, nhưng điều này không có nghĩa sẽ không xảy ra tại Việt Nam. Bởi vậy, mọi sự chuẩn bị đều không thừa!