Cụ thể, năm 2021, nợ thuế đất khoảng 11.840 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng nợ ngân sách nhà nước; năm 2022 là 13.545 tỷ đồng, bằng gần 58% tổng nợ; đến năm 2023 tăng lên đạt gần 15.470 tỷ đồng, chiếm gần 54% tổng nợ.
Bên cạnh đó, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng chỉ ra những vấn đề hình thành nên khoản nợ tiền thuế đất tồn đọng. Cụ thể, nợ nghĩa vụ tài chính về đất của một số đơn vị lớn nhưng không có khả năng nộp như Khu liên hiệp thể thao quốc gia nợ 895 tỷ đồng, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy 173 tỷ đồng, Tổng công ty đường sắt Việt Nam 484 tỷ đồng và Công ty Á Châu 617 tỷ đồng….
Ngoài ra, 24 dự án được giao đất thu tiền sử dụng đất còn nợ khoảng 2.800 tỷ đồng tiền thuế đất và khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng chờ xử lý liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất, riêng khoản này chiếm 26% tổng số tiền thuế nợ.
Việc xử lý các khoản nợ chờ xử lý đặc biệt quan trọng trong mục tiêu giảm tổng nợ của toàn TP. Hà Nội, nợ chờ xử lý còn lại hiện chủ yếu là các khoản vướng mắc đến nghĩa vụ tài chính về đất do các sở, ban ngành đầu mối xử lý, nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm, chưa xử lý dứt điểm.
Cũng theo Ban Kinh tế - Ngân sách, việc đôn đốc doanh nghiệp nợ thuế đất, chây ì nhiều năm chưa có giải pháp phù hợp do nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Đến nay, nhiều công ty không có hoạt động sản xuất kinh doanh nên việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế không hiệu quả, tiền chậm nộp phát sinh rất lớn.
Hoạt động thực hiện các kết luận thanh, kiểm tra cũng gặp khó đối với một số trường hợp như doanh nghiệp phá sản, bị điều tra không có khả năng nộp nợ….
Ban Kinh tế - Ngân sách chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó đến từ việc xác định, quản lý và đôn đốc thu hồi nợ chưa quyết liệt và chủ động.
Một nguyên nhân khác là việc giải quyết và cập nhật tiến độ giải quyết các kiến nghị, đề xuất, vướng mắc của người nộp thuế chưa kịp thời, một số trường hợp kéo dài nhiều năm, chưa giải quyết dứt điểm nhất là trong xác định, rà soát số tiền sử dụng đất phải nộp.
Trong đó, có các trường hợp nợ thuế lớn, điển hình gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt đại diện liên danh nhà đầu tư dự án khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông); Công ty CP Đầu tư bất động sản Vinaland tại dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ và nhà ở Dreamland Plaza; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển 18 với dự án khu chung cư cao tầng và nhà ở cán bộ công nhân các khu công nghiệp;
Công ty TNHH bất động sản Thạch Bàn Lakeside với dự án khu nhà ở Thạch Bàn Lakeside; Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà với dự án đường 2.5 đoạn Đầm Hồng đến quốc lộ 1A theo hình thức BT; Công ty TNHH Lam Sơn tại tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Phú Lãm…
Nhằm xử lý thực trạng trên, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND TP, Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp chặt chẽ với Cục thuế Hà Nội đôn đốc thu nợ thuế, phí;
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ không nộp thuế, phí; tiếp tục rà soát các dự án có vướng mắc về nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất, khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền; rà soát có chế tài xử lý các trường hợp cố tình sử dụng đất sai mục đích, chậm triển khai, cố tình chây ì thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước.
Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng tài chính tiếp tục triển khai dự án thì kiên quyết xử lý thu hồi dự án, quyết định giao đất, cho thuê đất để chuyển mục đích sử dụng sang đấu thầu, đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, thất thu ngân sách.
Ngoài ra, chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, giải quyết các kiến nghị của cơ quan thuế trong quá trình giám sát của Ban.