Đó là một trong những nội dung chính của Tọa đàm “Xúc tiến du lịch và cập nhật các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2024”, do CLB Lữ hành Unesco Hà Nội tổ chức chiều 12/4/2024, hưởng ứng Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024.
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội cho biết, “Tọa đàm Xúc tiến du lịch và cập nhật các quy định trong hoạt định kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2024” là dịp gặp gỡ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của Trung ương và các địa phương với các doanh nghiệp hội viên của CLB Lữ hành Unesco Hà Nội nhằm trao đổi, cập nhật thông tin và giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp về các quy định mới trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, các sự kiện xúc tiến du lịch, hội nghị, hội thảo trọng điểm do UBND TP. Hà Nội và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức trong năm 2024.
Tọa đàm cũng là dịp để các hội viên của CLB và các hội viên liên kết từ nhiều địa phương tăng cường kết nối, trao đổi, hợp tác kinh doanh, liên kết xây dựng sản phẩm, tour tuyến... nhằm đẩy mạnh, tăng tốc phát triển du lịch trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. |
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định CLB rất chủ động huy động, kết nối các thành viên để cùng toàn ngành phục hồi và phát triển. Hiện nay, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như: sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19; Giá cả dịch vụ, vé máy bay cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng; xung đột chính trị, kinh tế ảnh hưởng đến việc thu hút khách từ một số thị trường nguồn; các xu hướng mới của thị trường, công nghệ đòi hỏi công tác nghiên cứu, dự báo và phản ứng kịp thời, hiệu quả;… ông Hà Văn Siêu kêu gọi các thành viên CLB Lữ hành Unesco đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá, xúc tiến. Từ đó, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, trong đó có CLB Lữ hành Unesco Hà Nội, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng Phòng Xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định: Kết quả hoạt động của ngành du lịch có vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp du lịch, cũng như những khó khăn của ngành luôn đặt trên vai các doanh nghiệp, và thành tích của các doanh nghiệp chính là thành tích của ngành.
Ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng Phòng Xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ thông tin tại Tọa đàm. |
Chia sẻ về sự tăng trưởng, phục hồi của ngành kinh tế xanh hậu Covid-19, ông Nguyễn Quý Phương cho hay: cùng với các nỗ lực của toàn ngành cùng các chính sách quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, năm 2023, Việt Nam đón được trên 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,5 lần so với năm 2022. Trong quý I/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 4,4% so với tháng 2/2024 và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa đạt 30 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 195.000 tỷ đồng. Du lịch Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu năm 2024 đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, phấn đấu đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra.
“Hiện nay, nhiều thị trường top đầu đưa khách đến Việt Nam vẫn chưa hồi phục, nhưng kết quả tổng thể quý I/2024, du lịch Việt Nam vẫn đạt và vượt lượng khách quốc tế đến cùng kỳ năm 2019. Đây là nhờ năm 2023, toàn ngành và cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã khai thác được một số thị trường mới như: Ấn Độ, Nam Á, Tây Âu,… Đây là những thành quả ban đầu theo đúng định hướng của ngành là khai thác thị trường mới hậu Covid-19”, ông Nguyễn Quý Phương phân tích.
Mặc dù ngành kinh tế xanh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc có trách nhiệm của các địa phương, sự đồng hành, sát cánh của cộng đồng doanh nghiệp; đặc biệt là chính sách thị thực, xuất nhập cảnh được cải thiện mạnh mẽ… Nhưng vẫn có nhiều thách thức đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam.
Do đó, để tạo đột phá cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, ông Nguyễn Quý Phương cho biết, ở cấp Trung ương, năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu tham gia 3 Hội chợ quốc tế gồm: WTM London; CITM Trung Quốc và ASEAN – Trung Quốc. Cùng với đó là 6 chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN và Ấn Độ.
Khoảng 500 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch và báo chí tham dự Tọa đàm. |
Sẽ tổ chức 3 Lễ hội du lịch - văn hóa Việt Nam tại Tokyo và Kanagawa (Nhật Bản), Hàn Quốc. Tổ chức 10 famtrip, presstrip đón các đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, Australia, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan.
Đặc biệt, sẽ có chương trình xúc tiến du lịch – điện ảnh tại Los Angeles, Hoa Kỳ, dự kiến vào quý II. Đây sẽ là điểm nhấn quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 của Việt Nam.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, ông Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh, cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch số; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hoá loại hình, cách thức tiếp cận thị trường; huy động nguồn lực, phối hợp triển khai các công tác hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Đặc biệt, cần huy động nguồn lực của nhà nước và các địa phương, doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Trình bày tham luận về các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn Hà Nội, ông Trịnh Xuân Tùng, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tổng số doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên toàn quốc là 4.059 doanh nghiệp. Hà Nội có 1.761 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 384 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Về hướng dẫn viên, hiện cả nước có 37.701 hướng dẫn viên, trong đó có 21.911 hướng dẫn viên quốc tế, 13.914 hướng dẫn viên nội địa. Hà Nội hiện có 7.893 hướng dẫn viên, trong đó có 5.544 hướng dẫn viên quốc tế, 2.246 hướng dẫn viên nội địa và 103 hướng dẫn viên tại điểm.
Các diễn giả giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp du lịch. |
Trong các quy định kinh doanh dịch vụ lữ hành, ông Trịnh Xuân Tùng đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung ký quỹ. “Số tiền kỹ quỹ các doanh nghiệp tuyệt đối không được tự ý rút ra. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt rất nặng”, ông Trịnh Xuân Tùng nói.
Tại Tọa đàm, đại diện Vietnam Airlines, ông Lê Chí Quân đã chia sẻ về chính sách bay và sản phẩm, lịch bay của Vietnam Airlines trong năm 2024 tới các doanh nghiệp thuộc CLB Lữ hành Unesco Hà Nội.
Ngoài ra, đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã thông tin với các doanh nghiệp du lịch về các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài của đơn vị này.
Theo Nghị định 94/2021/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2024, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017. Cụ thể, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng; Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng; Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài là 500 triệu đồng.
Trong bối cảnh ngành du lịch và các địa phương đang đẩy mạnh hoạt động nhằm đạt các chỉ tiêu, kế hoạch thu hút số lượng khách đề ra trong năm 2024, là đón 18 triệu lượt khách quốc tế và phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19 (năm 2019). Đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến thị trường quốc tế... nhằm tạo động lực để du lịch Việt Nam có những bứt phá trong thời gian tới, Tọa đàm “Xúc tiến du lịch và cập nhật các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2024”.
Tọa đàm thu hút đông đảo doanh nghiệp du lịch tham dự. |
Nhiều nội dung được các doanh nghiệp lữ hành quan tâm đã được thảo luận tại Tọa đàm như: Kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế năm 2024 và điều kiện tham gia đối với các đơn vị lữ hành; Một số quy định mới được ban hành trong hoạt động kinh doanh lữ hành; Các chính sách, đường bay trong nước và quốc tế được triển khai trong năm 2024; Thủ tục cấp đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế; Những thay đổi về số tiền ký quỹ trong hoạt động lữ hành nội địa và quốc tế; Kế hoạch khai thác, mở đường bay mới, mở rộng đường bay trong nước và quốc tế trong năm 2024...
Nhân dịp này, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội đã trao giấy chứng nhận hội viên mới cho 60 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, vận chuyển. Với tổng số hơn 600 hội viên hiện có, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội ngày càng khẳng định vị trí của một tổ chức xã hội nghề nghiệp uy tín, quy tụ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhằm góp phần phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.