Giải đáp những nhận định trái chiều thường gặp trong công cuộc chuyển đổi xanh của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Trong những năm gần đây, Việt Nam có sự tăng trưởng kinh tế vượt trội ở khu vực Đông Nam Á với những cam kết liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và tầm nhìn về phát triển năng lượng sạch.
Giải đáp những nhận định trái chiều thường gặp trong công cuộc chuyển đổi xanh của Việt Nam

Với tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng, Việt Nam đang mạnh mẽ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thông qua việc triển khai Quy hoạch điện 8 (PDP VIII). Tham vọng của kế hoạch này là có thể chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và các công nghệ mới như pin lưu trữ, hydrogen và ammonia để đạt được NetZero (không phát thải ròng) vào năm 2050.

Với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và các đối tác như Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP), Việt Nam hướng tới việc đảm bảo được an ninh năng lượng trên hành trình chuyển đổi năng lượng sạch. Tuy nhiên, trong sự chuyển đổi này vẫn còn tồn tại những nhận định trái chiều về các cam kết bền vững và sáng kiến xanh.

Nhận định số 1: “Trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, các nền kinh tế mới nổi đang theo sau các quốc gia phát triển”

Trên thực tế, các nền kinh tế mới nổi luôn đi đầu trong việc kết hợp các ý tưởng và chiến lược tăng trưởng xanh vào kế hoạch quốc gia của họ.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam (VGGS) đã được phê duyệt vào năm 2012. Chiến lược này hướng đến việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc nghiên cứu và phát triển công nghệ hiện đại, cơ sở hạ tầng xanh trước bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh không thể được tiến hành đơn lẻ khi gặp các vấn đề như rủi ro khí hậu, chi phí cao và những khó khăn kỹ thuật trong việc điều chỉnh theo yêu cầu. Do đó, sự hợp tác giữa các nền kinh tế đang phát triển và các nước phát triển để chia sẻ những giải pháp thực tiễn, công nghệ và hỗ trợ vốn là vô cùng cần thiết.

Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng cách công bố các cam kết trọng điểm tại COP26. Tại COP28 năm nay, Việt Nam cũng đã chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Nhận định số 2: “Việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo sẽ tạo thêm gánh nặng lên giá điện”

Năng lượng tái tạo được nhìn nhận như một nguồn năng lượng phù hợp nhất với tình hình tài chính trong thời điểm biến động này nhờ vào những nghiên cứu và đổi mới diễn ra liên tục trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư rót vào việc nghiên cứu và phát triển đã góp phần giảm chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đáng kể trong vài năm qua.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, chi phí sản xuất thêm 2/3 nguồn năng lượng tái tạo mới vào năm 2021 còn thấp hơn so với các phương án rẻ nhất bằng nhiên liệu hóa thạch rẻ ở các nước G20. Báo cáo này bao gồm thủy điện, địa nhiệt, năng lượng sinh học và nhiệt tái tạo. Chỉ tính riêng trong năm 2020, các nền kinh tế mới nổi đã được dự đoán rằng có thể tiết kiệm tới 156 tỷ USD trong suốt thời gian thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

Nhận định số 3: “Chuyển đổi xanh có thể cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam”

Nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế thường tỷ lệ thuận với tàn phá môi trường. Việt Nam đang thách thức quan niệm này bằng cách theo đuổi mô hình phát triển vừa hướng tới sự thịnh vượng về mặt kinh tế, vừa có trách nhiệm môi trường.

Việt Nam đã đầu tư mạnh vào công nghệ xanh, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và thực hành sản xuất sạch trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Hướng đi này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững về lâu dài.

Trên thực tế, các sáng kiến xanh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực đầu tư, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Căn cứ theo kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 6% lên 10,7% trong quy hoạch ngành điện hiện nay, kể từ năm 2030, mỗi năm sẽ có hơn 315.000 việc làm mới.

Nhận định số 4: "Hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) là một công nghệ rất tốn kém và sẽ làm giá điện trở nên đắt đỏ hơn"

Ở những khu vực gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn năng lượng ổn định, hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) đang dần trở thành giải pháp thiết yếu khi cung cấp đủ nguồn năng lượng cần thiết và hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo. Tuy rằng chi phí trả trước để vận hành BESS cao hơn nhưng lợi ích lâu dài của BESS trong bối cảnh thị trường năng lượng và các chính sách hỗ trợ ngày càng phát triển sẽ ít ảnh hưởng đến giá điện cho các hộ gia đình.

Tính khả thi về mặt kinh tế của BESS phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nên cần phải phân tích đa khía cạnh của chi phí và lợi ích để đánh giá tác động tổng thể của BESS lên hệ thống năng lượng. Ví dụ như các dự án ở Nam Ấn Độ sử dụng hệ thống lưu trữ năng lượng để giảm bớt những biến động trong việc cung cấp năng lượng mặt trời, góp phần ổn định lưới điện. Hơn nữa, các ngành công nghiệp ở Ấn Độ đang áp dụng BESS cho nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cắt bỏ nhu cầu cao điểm, cân bằng tải điện và giảm chi phí điện.

Vào tháng 4 năm 2023, GEAPP đã công bố kế hoạch thành lập Quỹ ủy thác chuyển đổi và tiếp cận năng lượng GEAPP, cung cấp 35 triệu USD để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và tiếp cận năng lượng sạch ở 5 quốc gia châu Á, bao gồm hỗ trợ BESS tại Việt Nam.

Sự hỗ trợ của GEAPP giúp Việt Nam vững vàng hơn trong việc triển khai các chính sách, hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường và nhấn mạnh thêm mối liên kết mật thiết giữa quan hệ đối tác chiến lược và các mục tiêu quốc gia đặt ra, cung cấp chuyên môn và nguồn lực quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Tin bài liên quan