1.330 căn hộ tái định cư được chuyển thành dự án thương mại do Thuận Việt làm chủ đầu tư. Ảnh: Trọng Tín
Chủ trương đúng, cách làm sai...
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, năm 2006 - 2017, TP.HCM đã đầu tư xây dựng và dùng ngân sách để mua lại hơn 40.000 căn hộ và nền đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án.
Trong đó, đã bố trí hơn 26.000 căn hộ và nền đất; còn dư gần 12.000 suất tái định cư chưa bố trí sử dụng (gồm hơn 2.250 nền đất và hơn 9.400 căn hộ). Trong số căn hộ còn dư, có 1.220 căn hộ tái định cư đã được chuyển đổi thành nhà ở thương mại.
Nói về nguyên nhân dẫn đến hàng ngàn suất tái định cư dư thừa, đại diện Sở Xây dựng lý giải, trước đây, khi chính sách bồi thường, tái định cư chưa sát với giá thị trường thì gần như 100% người dân đồng ý nhận căn hộ. Có trường hợp để ở, nhưng cũng có trường hợp sau khi nhận, họ đã bán lấy tiền đi nơi khác sinh sống.
Sau này, khi chính sách sát với giá thị trường, giá bồi thường cao hơn, rất nhiều người dân nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Chỉ trừ những trường hợp không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì mới nhận căn hộ tái định cư. Điều này dẫn đến việc thừa căn hộ so với nhu cầu đăng ký ban đầu của người dân.
Còn lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc lớn ở TP.HCM cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do TP.HCM không xác định được nhu cầu ngay từ ban đầu, chủ trương đúng, nhưng tầm nhìn, chiến lược và dự báo đều sai.
“Không phải bất cứ người dân nào nằm trong diện đền bù, giải tỏa đều có mong muốn nhận căn hộ tái định cư. Thành phố khi thực hiện dự án đã không điều tra xã hội học, không điều tra tâm lý học và không rút ra bài học từ những thất bại trước đó. Rõ ràng, chương trình thất bại là do không có tính dự báo trước”, vị này nói.
Nhiều báo cáo của UBND TP.HCM cũng chỉ rõ, lý do dôi dư vì kế hoạch của Thành phố thực hiện tái định cư là nhà chung cư, nhưng tâm lý của người dân quen sống nhà liền đất. Bên cạnh đó, không ít người không nhận nhà, nhận đất, mà muốn nhận tiền mặt để tự tổ chức tái định cư.
Chính vì vậy, năm 2017, UBND TP.HCM có chủ trương bán đấu giá các căn hộ tái định cư dư thừa. Việc đấu giá được thực hiện, nhưng không có doanh nghiệp nào tham gia. Khối tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng bị bỏ không, phơi nắng mưa, xuống cấp, gây lãng phí rất lớn.
Nỗi lòng nhà đầu tư
Là một trong những doanh nghiệp tham gia cùng Thành phố trong chủ trương xây dựng 12.500 căn tái định cư thuộc khu Bình Khánh (quận 2, TP.HCM), ông Võ Văn Bé, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt bày tỏ sự xót xa khi nhìn dự án mình xây dựng, nhưng không được sử dụng.
“Khoảng 4 năm nay, Thuận Việt phải bỏ ra 600 - 700 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng tài sản, mặc dù chưa biết số tiền này Thuận Việt có nhận lại được hay không”, ông Bé nói.
Kể lại thời gian Thuận Việt tham gia cùng Thành phố xây dựng nhà ở tái định cư, ông Bé cho hay, năm 2007, UBND TP.HCM đã tổ chức đền bù giải tỏa để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo tính toán của Thành phố, có khoảng 16.000 gia đình có đất trong khu Thủ Thiêm cần giải tỏa. Thành phố đã lên kế hoạch xây dựng 12.500 căn hộ, trong đó, Công ty Thuận Việt xây dựng 3.550 căn, gồm 2 khu 2.220 căn và khu 1.330 căn, với cam kết Thành phố sẽ mua lại toàn bộ lượng căn hộ này khi hoàn thành.
“Tháng 6/2016, chúng tôi bàn giao quỹ nhà 2.220 căn, còn khu 1.330 căn chuẩn bị cất nóc. Nhưng thời điểm đó, Thành phố rà soát thấy quỹ nhà dư rất nhiều. Nguyên nhân là quỹ nhà xây chậm so với tiến độ, nên đa số người dân quyết định nhận tiền đền bù”, ông Bé nói.
Để giải cứu những căn hộ bị dư thừa, khi đấu giá, ngoài mức giá khởi điểm hợp lý, Thành phố nên có chủ trương chuyển đổi nhà tái định cư thành nhà ở thương mại và ra sổ hồng cho từng căn hộ. Khi nhà đầu tư đã trúng đấu giá, với việc có sẵn sổ hồng từng căn hộ trong tay, họ cũng dễ dàng trong việc bán ra thị trường.
Ông Võ Văn Bé, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt
Ông Bé cho biết, thời điểm đó, TP.HCM gặp khó khăn về tài chính, cuộc khủng hoảng thị trường địa ốc khiến nhiều doanh nghiệp phá sản…, khi Thuận Việt bàn giao nhà đợt cuối cùng của khu 1.330 căn hộ, thì Thành phố không đủ khả năng thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, TP.HCM đã tổ chức họp Thường trực UBND, HĐND để tìm phương án giải quyết khu 1.330 căn hộ tái định cư này.
Sau đó, phương án được Thành phố đưa ra là thương thảo với Thuận Việt để giữ lại số lượng nhà đã xây, Thành phố giao đất thu tiền sử dụng đất, nhà đầu tư chuyển dự án này thành dự án thương mại để thu hồi vốn.
“Bản thân 1.330 căn này ban đầu là phối hợp với Thành phố, nên mới được ngân hàng cho vay. Khi chuyển dự án này sang mục đích thương mại, thì việc vay vốn sẽ khó khăn, nên Công ty Thuận Việt không muốn chuyển. Tuy nhiên, Thành phố và Ban Quản lý khu Thủ Thiêm đã thương thảo rất nhiều lần để Thuận Việt chấp nhận chuyển giao dự án này thành dự án thương mại”, ông Bé chia sẻ.
Ông Bé cho biết thêm, sau khi thanh lý hợp đồng và được chuyển đổi, Thuận Việt đã tạm đóng tiền sử dụng đất cho Thành phố với giá 26 triệu đồng/m2, tiến hành cải tạo, đổi tên thành Dự án New City Thủ Thiêm. Hiện dự án đã bán hơn 1.000 căn hộ, với giá giao dịch 70 triệu đồng/m2, làm thay đổi bộ mặt khu 38,4 ha.
“Câu chuyện Thuận Việt chuyển dự án tái định cư ở Thủ Thiêm sang dự án thương mại thực sự đã giải tỏa được cho Thành phố một gánh nặng lớn, bởi nếu như không chuyển đổi sang dự án thương mại thì đến nay, chi phí tiền lãi vay mà Thành phố phải chi trả sẽ rất lớn, cùng những hệ lụy khác. Nhưng chỉ vì một màn “cứu thua” cho Thành phố mà hiện nay, Thuận Việt lại chịu nhiều tai tiếng”, ông Bé nói.
Tại thông báo Kết luận Thanh tra số 1041 ngày 26/6/2019 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, UBND Thành phố đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư khu 1.330 căn chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất là không đúng quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013.
“Khi kết luận trên được công bố, một loạt dự án đã bị ảnh hưởng, nên việc tính giá đất của dự án này bị đình lại. Khi đó, TP.HCM cho phép Thuận Việt tạm nộp tiền sử dụng đất với mục đích để có sổ hồng, còn sau này có định giá thì sẽ bù hoặc trả lại. Nhưng đến nay, Thành phố vẫn chưa tính ra giá cụ thể để chúng tôi hoàn tất nghĩa vụ và Dự án vẫn chưa được cấp sổ hồng”, ông Bé bày tỏ.