Giải “cơn khát” thiếu đất công nghiệp khu vực phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
Một loạt tỉnh, thành phố phía Nam bắt đầu xây dựng khu công nghệ cao và khu công nghiệp (KCN) mới, nên “cơn khát” thiếu đất công nghiệp sẽ sớm được giải tỏa.
Phối cảnh Khu công nghệ cao Long Thành (tỉnh Đồng Nai)

Phối cảnh Khu công nghệ cao Long Thành (tỉnh Đồng Nai)

Dồn dập mở mới khu công nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra rất nhộn nhịp tại các tỉnh Đông Nam bộ. Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đã đến tìm hiểu đầu tư tại các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Cũng trong nửa đầu năm 2023, rất nhiều dự án đã mở rộng đầu tư vào TP.HCM và Bình Dương.

Nhờ vậy, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm của một số địa phương tăng mạnh so với cùng kỳ, như TP.HCM thu hút 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là vốn FDI tăng chủ yếu nhờ việc góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi số dự án cấp phép mới không nhiều do quỹ đất công nghiệp tại các địa phương bị thu hẹp đáng kể.

Dẫu vậy, một tín hiệu lạc quan là các địa phương đang dồn dập chuẩn bị xây thêm các khu công nghiệp mới để đón các “đại bàng” lớn đến từ châu Âu, Mỹ đến làm “tổ”.

Mới đây nhất, ngày 7/7, Khu công nghệ cao Long Thành (tỉnh Đồng Nai) chính thức khởi công. Đây là khu công nghệ cao đầu tiên của tỉnh, với diện tích 410 ha, cách sân bay Long Thành 10 km và nằm cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sau khi Khu công nghệ cao Long Thành được khởi công, tỉnh Đồng Nai đang gấp rút kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận triển khai đầu tư 3 KCN mới, gồm Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp (huyện Long Thành) và Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ), với tổng diện tích gần 6.500 ha để kịp đón đầu làn sóng đầu tư khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào vận hành.

Tại “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương, đầu tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã thông qua Đồ án quy hoạch Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III - giai đoạn II), diện tích hơn 800 ha và Khu công nghiệp Cây Trường 700 ha.

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp FDI đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại các tỉnh Đông Nam bộ, nhưng không tìm được quỹ đất đủ lớn để xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất. Chính vậy, khi Khu công nghệ cao Long Thành vừa khởi công, hàng loạt doanh nghiệp đã đến “đặt chỗ”.

Sau khi quy hoạch được thông qua, Bình Dương sẽ bắt tay khởi công xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để sớm đón nhà đầu tư. Theo định hướng thu hút đầu tư, KCN VSIP III và Cây Trường sẽ ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, gắn với khu trung tâm dịch vụ. Ngoài các KCN xây mới, dự kiến cuối năm nay, Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) sẽ khởi công Dự án Cụm công nghiệp Tam Lập 2 (Bình Dương), với diện tích 180 ha, theo mô hình cụm công nghiệp “Net Zero”. Cụm công nghiệp này sẽ thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Còn tại đầu tàu kinh tế TP.HCM, ngay sau khi Chính phủ đồng ý bổ sung KCN Phạm Văn Hai I (379 ha) và KCN Phạm Văn Hai II (289 ha) vào quy hoạch, Thành phố đã bắt tay chuẩn bị làm các thủ tục chọn nhà đầu tư để tiến hành xây dựng.

Theo định hướng chung về thu hút đầu tư của TP.HCM, KCN Phạm Văn Hai I và II sẽ hướng đến những dự án đầu tư trong các ngành công nghệ cao như robot công nghiệp, cơ khí chính xác, điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông…

“Cơn khát” đất công nghiệp sắp được giải tỏa

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp FDI đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại các tỉnh Đông Nam bộ, nhưng không tìm được quỹ đất đủ lớn để xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất. Chính vậy, khi Khu công nghệ cao Long Thành vừa khởi công, hàng loạt doanh nghiệp đã đến “đặt chỗ”.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành của Amata Vietnam (đơn vị xây dựng) cho biết, Khu công nghệ cao Long Thành sẽ xây dựng theo quy chuẩn quốc tế, tham vấn từ các mô hình KCN hiện tại của Tập đoàn tại Thái Lan và các quốc gia phát triển. Dù dự án mới khởi công, nhưng đã có hơn 40 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu thuê trên 300 ha đất công nghiệp. Dự kiến, sau khi hoàn thành hạ tầng giai đoạn I, diện tích cho thuê có thể nhanh chóng được lấp đầy.

Tương tự, tại Bình Dương, KCN VSIP III dù đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng đã thu hút được hàng loạt “ông lớn” FDI đến đầu tư. Trong đó, phải kể đến Dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch), tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, đã khởi công xây dựng vào tháng 11/2022 và dự kiến hoàn thành vào giữa năm sau; hay Dự án xây dựng cơ sở chế tác trang sức của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch), vốn đầu tư hơn 100 triệu USD.

Nói về xu hướng đầu tư các KCN mới, ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC cho biết, chính sách thuế carbon và cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới đang ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư FDI của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Bản thân nhà đầu tư, đặc biệt doanh nghiệp FDI, phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm sạch (từ nguồn nguyên liệu đến khâu sản xuất, cung cấp) và có nguồn gốc rõ ràng để được chấp nhận vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng tính cạnh tranh.

Chính vì vậy, Becamex sẽ chuyển đổi dần các KCN hiện hữu để tăng tính bền vững thông qua cải tiến mô hình quản trị, vận hành KCN để làm sao hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư trong KCN.

“Việc nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên thông minh hơn, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn..., giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh, nhằm tăng năng suất lao động”, ông Thuận nhấn mạnh.

Như vậy, với việc dồn dập đầu tư các KCN mới tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, trong thời gian ngắn sắp tới, “cơn khát” thiếu đất công nghiệp sẽ được giải tỏa, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Tin bài liên quan