ABIC là một trong số ít doanh nghiệp tham gia phân khúc thị trường bảo hiểm nông nghiệp

ABIC là một trong số ít doanh nghiệp tham gia phân khúc thị trường bảo hiểm nông nghiệp

Giải bài toán thiếu hụt bảo hiểm nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Là một quốc gia nông nghiệp, với hơn 60% dân số sinh sống tại khu vực nông thôn và phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nhưng bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam lại còn một khoảng trống lớn.

Sự thiếu hụt đáng lo ngại

Nông nghiệp là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, đem lại sinh kế cho hơn 60% dân số nông thôn, chiếm đến 30% lực lượng lao động trong cả nước và đóng góp gần 12% vào GDP. Tuy nhiên, ngành kinh tế trọng điểm này đang đứng trước nguy cơ tổn hại ngày càng cao do tình trạng biến đổi khí hậu.

Tại một hội nghị mới đây, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho biết, trong những năm qua, rủi ro thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra, gây thiệt hại lớn đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn trực tiếp tác động đến khả năng hoàn trả vốn vay của người nông dân.

Điển hình như cơn bão số 3 (bão Yagi), theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng ngành nông nghiệp đã thiệt hại gần 30.800 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng thiệt hại kinh tế từ cơn bão này (ước tính 81.000 tỷ đồng).

Với vai trò là ngân hàng hàng đầu cung cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp, Agribank đối mặt với thiệt hại nặng nề. Ngân hàng có hơn 28.200 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão, với dư nợ thiệt hại lên đến hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ khách hàng tham gia bảo hiểm vẫn còn rất khiêm tốn, trong số 512 khách hàng doanh nghiệp bị thiệt hại, với dư nợ thiệt hại 6.195 tỷ đồng, chỉ có 155 khách hàng tham gia bảo hiểm, với tổng số tiền bồi thường là 120 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng 0,65% dư nợ thiệt hại của Agribank được bảo vệ thông qua bảo hiểm.

“Sự thiếu hụt này là một thực tế đáng lo ngại và là minh chứng rõ ràng cho sự cần thiết phải gia tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm trong khu vực nông nghiệp để bảo vệ vốn vay và tài sản của người nông dân”, ông Phong chia sẻ và chỉ ra một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu rủi ro cho khu vực nông nghiệp là liên kết bảo hiểm với tín dụng. Việc triển khai bảo hiểm cùng với các gói tín dụng nông nghiệp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng và bảo vệ vốn vay của Agribank, đồng thời giúp nông dân yên tâm vay vốn và tái đầu tư sản xuất.

Ngoài ra, ABIC cũng kiến nghị các cơ quan chức năng và các đối tác liên quan có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ để nông dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm với chi phí hợp lý; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo hiểm trong việc bảo vệ tài sản và nguồn vốn sản xuất.

Trong phiên họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhìn nhận rằng: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau bão Yagi. Sau cơn bão, chúng tôi phải cấu trúc toàn bộ hệ thống liên quan hạ tầng nông nghiệp để thích ứng bền vững. Bộ cũng thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp”.

Phía Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, các địa phương và doanh nghiệp về việc phối hợp rà soát, đánh giá việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định 58. Kết quả này sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm phù hợp trình Chính phủ.

Cần một cơ chế đặc thù

ABIC từng kiến nghị triển khai bảo hiểm dưới hình thức gói tín dụng nông nghiệp của Agribank với các sản phẩm bảo hiểm của ABIC.Đây là mô hình điểm để triển khai thành công bảo hiểm rủi ro trong khu vực tam nông bằng hình thức thương mại.

Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức) dự đoán, đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể làm giảm 17% GDP toàn cầu, với những thiệt hại về nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và y tế lên tới 38.000 tỷ USD hàng năm. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với dự báo vào cuối thế kỷ này, các vùng đồng bằng trọng yếu sẽ phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới 12% dân số và gây thất thoát 10% GDP. Chính vì thế, bảo hiểm nông nghiệp cần phải đóng vai trò thiết yếu, giúp ổn định nền kinh tế Việt Nam qua việc cung cấp một “tấm lưới” tài chính an toàn cho người nông dân, giảm thiểu biến động giá trên thị trường lương thực, ngăn ngừa lạm phát và bất ổn kinh tế.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.443 tỷ đồng; trong đó, riêng bảo hiểm nông nghiệp chỉ đạt 40 tỷ đồng.

Theo IAV, thách thức về mức độ thâm nhập của bảo hiểm nông nghiệp nằm ở cả phía cung và phía cầu. Trong đó, nhu cầu về bảo hiểm nông nghiệp là có, nhưng phần lớn nông dân Việt Nam có thu nhập thấp nên khó có khả năng chi trả phí bảo hiểm, đặc biệt khi chưa có sự hỗ trợ đầy đủ từ Nhà nước, hoặc chưa thấy rõ lợi ích từ việc tham gia bảo hiểm. Về phía cung, các công ty bảo hiểm phải cân nhắc kỹ về mức độ rủi ro, mức phí bảo hiểm phải đóng, mức khấu trừ và điều kiện điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm.

Theo đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, thiếu sự hợp tác, liên kết…, nên việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm đến từng hộ nông dân rất khó khăn. Vì vậy, bảo hiểm nông nghiệp cần có một cơ chế đặc thù, có thể vận dụng nhiều phương thức bán hàng để không bị coi là “ép buộc” phải mua bảo hiểm khi vay vốn.

ABIC từng kiến nghị coi phương thức triển khai bảo hiểm dưới hình thức gói tín dụng nông nghiệp của Agribank với các sản phẩm bảo hiểm của ABIC. Đây là mô hình điểm để triển khai thành công bảo hiểm rủi ro trong khu vực tam nông bằng hình thức thương mại (không có hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách nhà nước).

Số hóa, những bước đi đầu tiên

Ngoài những giải pháp trên, gần đây, số hóa cũng có thể là một lời giải cho bài toán bảo hiểm nông nghiệp.

Igloo - công ty công nghệ bảo hiểm vừa công bố hợp tác chiến lược với ABIC nhằm giúp nông dân tại Việt Nam có thể tiếp cận bảo hiểm chỉ số thời tiết một cách dễ dàng hơn. Đây là lần đầu tiên sản phẩm bảo hiểm này được phân phối qua kênh bancassurance (kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), được kỳ vọng sẽ tăng khả năng tiếp cận tới các khách hàng mục tiêu.

Ra mắt tại Việt Nam vào cuối năm 2022, bảo hiểm chỉ số thời tiết của Igloo đã giải quyết nhu cầu của nông dân, bảo vệ người trồng lúa tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng phạm vi bảo hiểm đến người trồng cà phê ở Tây Nguyên, đã bảo vệ được hơn 20.000 ha cây trồng cho đến nay. Hiện sản phẩm này đã được mở rộng đến tất cả các loại cây trồng.

Hàng năm, ABIC có khoảng 3,6 triệu đơn bảo hiểm cung cấp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó 95% đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử; 100% xuất hóa đơn điện tử và 70% được hạch toán tự động doanh thu và các chi phí tương đồng có liên quan. Đại diện Bảo hiểm ABIC cho rằng, nếu kinh doanh các sản phẩm bán lẻ mà không áp dụng chuyển đổi số thì không thể quản lý dòng tiền minh bạch.

Cũng trong xu hướng số hóa bảo hiểm nông nghiệp, Bảo hiểm Bảo Minh đã ký kết hợp tác với Công ty Công nghệ bảo hiểm Hillridge ra mắt sản phẩm bảo hiểm chỉ số bão nhằm hỗ trợ bảo vệ nông dân khỏi những thiệt hại do bão gây ra.

Đại diện Bảo Minh cho biết, với việc áp dụng những công nghệ mới, bảo hiểm chỉ số bão cho phép khách hàng hoàn thành quy trình thanh toán trực tuyến đơn giản và minh bạch. Sản phẩm được trang bị các công thức tính toán giúp người nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp trong vòng 10 ngày có thể nhận được bồi thường bảo hiểm thiệt hại mùa màng, gia súc, gia cầm và do Bảo Minh chi trả.

Theo ông Nguyễn Hữu Tự Trí, đại diện Igloo, cần có sự chung tay của các bên liên quan, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân để đầu tư cho các sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số. Một mặt, các khoản trợ cấp của Chính phủ và các khung chính sách có thể khuyến khích áp dụng bảo hiểm, mặt khác, sự đổi mới của khu vực tư nhân có thể đem lại những giải pháp dễ dàng tiếp cận, tích hợp công nghệ. Về phía người nông dân, khi nhận thức được lợi ích lâu dài của hình thức bảo hiểm này, sẽ tích cực tham gia để bảo vệ mùa màng và nguồn thu cho chính bản thân.

Tin bài liên quan