Áp lực cân đối vốn từ các ngân hàng thương mại là rất lớn. Ảnh: Dũng Minh
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng cao kỷ lục
Vào cuối tháng 9/2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị bắt do sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cho thấy nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc lành mạnh hóa trên thị trường này. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của SCB - ngân hàng lớn thứ 5 tại Việt Nam về quy mô tổng tài sản, do mối liên hệ gần gũi giữa ban lãnh đạo của 2 doanh nghiệp.
“SCB đã chứng kiến hiện tượng khách hàng đổ xô rút tiền trong tuần đầu tháng 10/2022 và điều này đã gây áp lực lên thanh khoản hệ thống do các ngân hàng thương mại chuyển sang trạng thái phòng thủ nhiều hơn...”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định.
Còn ông Lê Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc SHB cho hay: “Thị trường liên ngân hàng hoạt động rất kém, các ngân hàng lớn cần nới việc cho vay để hoạt động này quay trở lại bình thường”.
Thực tế, áp lực cân đối vốn từ các ngân hàng thương mại là rất lớn khi khoảng cách cho vay - huy động ngày càng nới rộng. Số liệu tính đến ngày 20/9/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, huy động của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% - thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ở mức 10,54%. Còn tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng huy động cũng chỉ đạt 4,8% - vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng 11,5%.
M2 đang thiếu so với GDP danh nghĩa, nếu không bơm tiền ra đủ để lưu thông thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ không đạt được.
Theo một lãnh đạo cao cấp của ACB, một trong những nguyên nhân khiến huy động tăng trưởng chậm là dòng vốn bị chuyển ra nước ngoài do lãi suất VND tăng chậm hơn USD. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất tổng cộng 375 điểm cơ bản kể từ đầu năm 2022, trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ tăng 200 điểm kể từ cuối tháng 9/2022. Ước tính, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tổng cộng 26,5 tỷ USD kể từ đầu năm 2022 để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang USD và ổn định tỷ giá, tương đương 600.000 tỷ đồng và bằng khoảng 5% tổng huy động bị rút khỏi hệ thống.
Bên cạnh đó, một lượng vốn lớn hơn 900.000 tỷ đồng tồn quỹ của Kho bạc Nhà nước bị ứ đọng tại Ngân hàng Nhà nước và nằm ngoài lưu thông của nền kinh tế. Ước tính, số tiền này tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương gần 2% tổng huy động bị rút khỏi hệ thống.
“Nguồn vốn huy động suy yếu khiến trạng thái thanh khoản trở nên căng thẳng và mặt bằng lãi suất tăng lên. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh. Đối với lãi suất huy động trên thị trường 1 (khu vực tổ chức và dân cư), tính đến tháng 11/2022 đã tăng 2%/năm ở các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và tăng 3-4%/năm tại các ngân hàng tư nhân nhỏ”, vị lãnh đạo ACB nói.
Một lãnh đạo cao cấp BIDV thừa nhận, công tác huy động vốn rất khó khăn ngay tại chính Ngân hàng. Tính đến thời điểm giữa tháng 12/2022, huy động tăng trưởng chỉ bằng 3,4% so với đầu năm, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhiều yếu tố vĩ mô biến động khiến thị trường khan hiếm tiền và đẩy lãi suất huy động lên quá cao.
Thực tế, dưới áp lực thanh khoản giảm, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 cũng tăng nhanh chóng, với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức 8,5-10%/năm, các ngân hàng thương mại cổ phần tăng khoảng 4- 5%/năm so với cuối năm 2021. Còn lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong 2 tuần đầu tháng 10/2022 có thời điểm chạm mức 8%/năm - cao nhất từ trước đến nay.
Cần tránh “dòng tiền âm”
Những ngày cuối năm 2022, LienVietPostBank công bố hoàn thành Chuẩn mực quản trị rủi ro Basel III và Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9. Theo lãnh đạo ngân hàng này, việc triển khai và áp dụng Basel III sẽ tạo khung quản trị rủi ro vững chắc và khẳng định tính minh bạch trong các hoạt động cũng như củng cố thêm nền tảng bền vững, giúp hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn chiến lược sắp tới, đặc biệt trong năm 2023.
Hiện chưa có lộ trình cụ thể cho các ngân hàng thương mại triển khai Basel III, tuy nhiên, đã có một số ngân hàng (chẳng hạn như TPBank Vietcombank, HDBank, VIB, OCB…) tiên phong trong việc triển khai bộ tiêu chuẩn này để củng cố thêm chất lượng nguồn vốn và đặc biệt là năng lực thanh khoản.
“Cần nhấn mạnh rằng, việc nâng cao quản trị rủi ro thanh khoản cũng là một mục tiêu quan trọng đối với tất cả các ngân hàng thương mại để đạt được Basel III – tiêu chuẩn giúp các ngân hàng nâng cao khả năng chống chịu trước các rủi ro và góp phần ngăn ngừa tổn thất có thể xảy ra”, bà Trần Thị Khánh Hiền nói.
Vị lãnh đạo ACB kỳ vọng, trạng thái thanh khoản của hệ thống sẽ ổn định trở lại trong thời gian tới nhờ nguồn vốn quay trở lại hệ thống ngân hàng sau khi lãi suất huy động đã tăng lên mức tương đối hấp dẫn. Lãi suất VND liên ngân hàng cần duy trì ở mức 6-8%/năm để rút ngắn chênh lệch so với USD, qua đó bảo vệ giá trị tiền đồng và ổn định thanh khoản. Áp lực tỷ giá cũng giảm bớt khi USD suy yếu. Chỉ số DXY giảm mạnh từ mức đỉnh 120 xuống 105 sau khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và Fed dự tính giảm đà tăng lãi suất trong những kỳ họp sắp tới.
“Như vậy, dư địa Fed tăng lãi suất USD không còn nhiều so với mức lãi suất trên 4%/năm hiện tại. Điều này sẽ giúp giảm áp lực điều tiết tỷ giá và thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước”, vị lãnh đạo ACB nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, tình trạng khan hiếm thanh khoản là vấn đề chung của nền kinh tế, chứ không riêng hệ thống ngân hàng. Ông Nghĩa tính toán, GDP tăng 8,5%, lạm phát 3,5%, nghĩa là tăng trưởng kinh tế tính theo giá trị hiện hành (GDP danh nghĩa) là 12%, mà cung tiền M2 chỉ tăng 7% là thấp. M2 đang thiếu so với GDP danh nghĩa, nếu không bơm tiền ra đủ để lưu thông thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ không đạt được.
“Nền kinh tế rơi vào tình trạng ‘dòng tiền âm’, do đó cần có giải pháp mang tính tổng thể. Cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải có trách nhiệm trong việc tăng cung tiền cho nền kinh tế ở thời điểm hiện tại”, ông Nghĩa nói.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, để giải quyết những thách thức về thanh khoản trong ngành ngân hàng, khi một số ngân hàng trở nên dễ bị tổn thương hơn và cần hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước có thể giúp khôi phục niềm tin thông qua cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. Tất nhiên, với điều kiện là các ngân hàng phải có kế hoạch khôi phục khả năng thanh khoản thỏa đáng, không phụ thuộc thường xuyên vào nguồn vốn vay của Ngân hàng Nhà nước.
“Trong trung hạn, cần hoàn thiện khung xử lý ngân hàng của Việt Nam để tiếp tục nâng cao sự ổn định tài chính và tăng cường khung giám sát hợp nhất nhằm theo dõi và đánh giá hiệu quả rủi ro hệ thống trên các thị trường, bao gồm cả thị trường ngân hàng, thị trường vốn và các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản”, ông Andrea Coppola nhấn mạnh.