Cần khoán tăng trưởng cho doanh nghiệp nhà nước
“Tôi chưa thấy khoán tăng trưởng cho doanh nghiệp nhà nước? Theo tôi, Chính phủ phải giao nhiệm vụ cho khu vực này, cụ thể là 19 tập đoàn kinh tế nhà nước”, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề khi bóc tách các động lực tăng trưởng của năm nay.
Theo TS. Thiên, với tỷ trọng đóng góp trong GDP khoảng 28-29%, chỉ cần khu vực này tăng thêm 1-2%, mục tiêu chung của nền kinh tế sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, trong kế hoạch đầu tư công năm nay và nhiều năm tới, sự có mặt của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đã khá rõ trong các dự án hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển...
Hơn thế, nhiều doanh nghiệp đã xác định 2025 là năm tăng tốc, có doanh nghiệp nhắc đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số...
“Nhưng cũng như địa phương, khi Chính phủ đã khoán tăng trưởng, thì phải cam kết cùng thực thi. Đó cũng chính là trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan Trung ương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng của năm nay, cũng như chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn tới”, TS. Thiên làm rõ.
Năm ngoái, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, khi nhiều doanh nghiệp vượt khá xa so với chỉ tiêu kế hoạch. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vượt 32% kế hoạch cả năm về tổng doanh thu hợp nhất, nộp ngân sách nhà nước vượt 64% kế hoạch năm. Doanh thu toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng 13,7% so với năm trước đó. Doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vượt 30% kế hoạch năm và vượt 25% so với năm 2023...
Đánh giá kết quả đạt được, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp một mặt nhắc đến nỗ lực của các doanh nghiệp, mặt khác xác định rõ vai trò của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong tháo gỡ vướng mắc cho khu vực này.
Có thể kể đến công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả đã đạt được những bước tiến đáng kể, mang tính đột phá, sau khi Bộ Chính trị ban hành các kết luận về định hướng, nguyên tắc, trình tự xử lý đối với một số dự án, doanh nghiệp như Dự án Mở rộng giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2), Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)...
Vấn đề là, các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đang phải thực hiện các kế hoạch kinh doanh tham vọng trong bối cảnh đặc biệt hơn rất nhiều. TS. Thiên nhấn mạnh và nhắc đến kế hoạch chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Bộ Tài chính, 1 tập đoàn về Bộ Công an sau khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kết thúc hoạt động.
“Trong thời gian đầu, việc dịch chuyển có thể làm phát sinh những khúc mắc trong thủ tục, quy trình, nếu chậm xử lý, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các kế hoạch đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Lúc này, doanh nghiệp cần sự cam kết cùng thực thi mục tiêu tăng trưởng từ phía các cơ quan Chính phủ”, ông Thiên phân tích.
Tất nhiên, TS. Thiên cũng đề nghị, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải nhận diện rõ nhiệm vụ, xác định và gọi tên những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ để từ đó đề xuất giải pháp cụ thể.
Cơ chế cho doanh nghiệp dẫn dắt
Nhờ sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) có được gói hỗ trợ thanh khoản với quy mô 12.000 tỷ đồng; chính sách trích khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, động cơ theo tỷ lệ giờ khai thác thực tế; cơ chế cho phép VNA tiếp tục được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... Nhờ vậy, doanh nghiệp không rơi vào tình trạng mất thanh khoản và nguy cơ phá sản trong năm 2021, tạo điều kiện để giảm lỗ trong các năm sau đó và có được lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và vượt 38,5% kế hoạch năm...
Nhắc tới doanh nghiệp nhà nước, song TS. Trần Đình Thiên nhận xét, cơ chế để thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân vẫn là tiên quyết. Thậm chí, việc hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp nhà nước thực hiện các kế hoạch đầu tư kinh doanh cũng là với mục tiêu tạo tác động lan tỏa, kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, cần cơ chế để hiện thực các kế hoạch các doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia các dự án, công trình lớn của đất nước, chứ không chỉ là đặt đầu bài cho các doanh nghiệp. “Vai trò của Nhà nước, của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay sẽ là một bên của hợp đồng phát triển song phương, theo nghĩa muốn doanh nghiệp làm các dự án này, thì Chính phủ sẽ đáp ứng các điều kiện, yêu cầu kia...”, TS. Thiên chia sẻ quan điểm.
Thực tế, trong các cuộc làm việc với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về khả năng tham gia các dự án, công trình tầm cỡ quốc gia, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân lớn đặt vấn đề tương tự. Thậm chí, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đề nghị một văn bản cam kết mang tính pháp lý của Chính phủ với từng doanh nghiệp. Nguyên nhân không chỉ vì chậm trễ trong quy trình, thủ tục hành chính; các vướng mắc pháp lý chưa dễ gỡ ngay..., mà còn ở bài toán thị trường của các dự án đầu tư sản xuất thép đường ray, đóng toa tàu...
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc thiết lập ngay hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp dẫn dắt những ngành, lĩnh vực ưu tiên cần được xem xét sớm, thay vì dành riêng cho những doanh nghiệp cụ thể.
Chúng ta phải tuân thủ các cam kết quốc tế trong hỗ trợ doanh nghiệp, nghĩa là không thể có chính sách riêng biệt cho một vài doanh nghiệp cụ thể. Chính phủ đã đề cập giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Với cơ chế này, cần làm rõ tiêu chí doanh nghiệp dẫn dắt các ngành, lĩnh vực nền kinh tế đang cần, như công nghiệp ô tô, đường sắt, bán dẫn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao... Khi đó, doanh nghiệp nào tham gia cũng sẽ nhận hỗ trợ theo nguyên tắc chung, như ưu đãi thuế, nguồn nhân lực, cơ hội tiếp cận quỹ hỗ trợ đầu tư, các cam kết đồng hành”, ông Thành đề xuất.
Song, ông Thành cho rằng, các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ là cơ sở để hoàn thiện cơ chế này. Thậm chí, có thể cần các chính sách đặc thù, các quy định mới, cơ chế thí điểm để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên vật liệu, tham gia xây dựng đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, điện gió ngoài khơi…
“Nếu các cơ chế, chính sách này được hoàn thiện sớm, trình Quốc hội ngay trong kỳ họp tháng 5 tới với những đề xuất vượt khung, tôi tin là bài toán tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn sẽ thông suốt”, TS. Thành kiến nghị.