Giải bài toán lớn cho nền kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ vừa cương quyết “thần tốc, dồn mọi nguồn lực xử lý triệt để ổ dịch”, vừa quyết liệt “không để kinh tế đứt gãy, không để kinh tế tăng trưởng âm".
Giải bài toán lớn cho nền kinh tế Việt Nam

Lại một bài toán khó được đặt ra với kinh tế Việt Nam, khi Chính phủ vừa cương quyết “thần tốc, dồn mọi nguồn lực xử lý triệt để ổ dịch”, vừa quyết liệt “không để kinh tế đứt gãy, không để kinh tế tăng trưởng âm”.

Việt Nam có cơ sở để thực hiện cả hai mục tiêu này.

Về ngăn chặn dịch bệnh, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm và vẫn đang thực hiện rất tốt các biện pháp phòng chống, khoanh vùng dập dịch.

Về duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam là số ít nền kinh tế tăng trưởng dương sau 6 tháng đầu năm. Thậm chí mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) còn dự báo, Việt Nam sẽ là quốc gia có mức tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Nhưng diễn biến của Covid-19 là khó đoán. Không một ai vào thời điểm Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) có thể ngờ rằng đến nay, đã có trên 18 triệu người trên thế giới mắc bệnh. Tình hình phức tạp và nghiêm trọng đến mức, người ta tính toán được rằng, cứ 15 giây lại có 1 người trên thế giới chết vì Covid-19. Ngay cả ở nước Mỹ, đến thời điểm này cũng có gần 160.000 người chết vì Covid-19.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng âm tới 32,9% trong quý II/2020 - một điều cũng không ai ngờ.

Không chỉ là đại dịch, các tranh chấp về địa chính trị, thương chiến Mỹ - Trung… vẫn rất căng thẳng. Điều này khiến kinh tế toàn cầu, vốn đang ngập chìm trong suy thoái vì Covid-19, càng trở nên bất định.

Kinh tế Việt Nam, vốn phụ thuộc rất lớn vào kinh tế toàn cầu, hẳn nhiên không thể đứng ngoài vòng xoáy đó. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng âm trong năm nay nếu Covid-19 tái bùng phát trên diện rộng.

Song có một điều khác biệt. Đó là trong điều hành, Chính phủ dường như có những bước đi thận trọng hơn. Hồi tháng 4/2020, khi dịch bệnh lan rộng, cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội, khiến tăng trưởng GDP quý II chỉ còn 0,36%. Nhưng nay, quan điểm rất rõ ràng. Chính phủ sẽ không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà “ngăn sông, cấm chợ”. Khi phát hiện ổ dịch thì khoanh lại, đám lửa to thì khoanh to, đám lửa nhỏ thì khoanh nhỏ để dập tắt, chứ không có chuyện thực hiện giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, dẫn đến làm bế tắc hoạt động kinh tế - xã hội.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng khẳng định: “Ở đâu đó có làn sóng dịch bệnh thứ hai, nhưng Việt Nam quyết tâm không để xảy ra. Không để quay lại câu chuyện giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Chúng ta phải khoanh vùng nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển”.

Với cách chỉ đạo, điều hành thận trọng và quyết liệt như thế, Việt Nam càng có nhiều cơ hội để thực hiện mục tiêu kép.

Mặc dù vậy, khó khăn với nền kinh tế vẫn là rất lớn. Để không tăng trưởng âm, phải tập trung vào thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bao gồm tiêu dùng của người dân, tiêu dùng của Chính phủ, giao thương hàng hóa, thúc đẩy đầu tư không chỉ của Nhà nước, mà của toàn xã hội, bởi đằng sau giải ngân vốn đầu tư công sẽ là việc làm, là thu nhập của người dân, là động lực, là tiền đề để thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư là rất quan trọng trong duy trì tăng trưởng. Tiêu dùng cuối cùng luôn chiếm trên 70% GDP trong suốt 15 năm qua, nhưng trong bối cảnh thu nhập người dân bị ảnh hưởng vì Covid-19, nhất là khi dịch đang tái bùng phát, thì câu chuyện kích cầu tiêu dùng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Lúc này, “kích” tiêu dùng của Chính phủ là biện pháp hữu hiệu nhất.

Sử dụng các chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng cũng là việc nên làm. Hiện tại, dư địa cho chính sách tiền tệ không quá lớn, bởi ngay cả ngân hàng cũng lo ngại chuyện nợ xấu khi đẩy mạnh cho vay thời Covid-19. Do đó, cần có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang tạo được nhiều việc làm cho người dân, để họ có thể duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ở góc độ khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động, tìm đường đi cho mình. Thực tế đã chứng minh, bất chấp Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn làm ăn, kinh doanh tốt, sẵn sàng đón bắt cơ hội mới khi đại dịch qua đi.

Chính phủ nỗ lực dồn sức cho chống dịch, cho phục hồi kinh tế thôi chưa đủ. Việc giải bài toán lớn đang rất cần sự chung tay, góp sức của từng người dân, từng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị.

Tin bài liên quan