Bài toán thiếu nhân lực AI đang làm đau đầu nhiều doanh nghiệp Việt.
Lương cao, việc “hot”
“Trong tổng số hơn 110.000 kỹ sư công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm tại các trường đại học, cao đẳng, thì chỉ có khoảng 10% sinh viên phục vụ tốt trong ngành này. Trong số 10% đó, chỉ có 10% theo đuổi ngành AI. Trong số đó chỉ có 4.000 sinh viên được đào tạo AI một cách bài bản. Con số này quá ít so với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc”, ông Vũ Duy Thức, Fouder của OhmniLabs cho biết.
Tại Rikkeisoft, đơn vị đang hướng đến mục tiêu đạt 10.000 nhân sự vào năm 2025 và đang chú trọng phát triển, thành công bước đầu với các mảng công nghệ cao như AI, Blockchain, kỹ sư AI đang rất được săn đón.
Ông Nguyễn Viết Lâm, Phó tổng giám đốc Rikkeisoft nhận định, năm 2021 đã chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT nói chung và các lĩnh vực mới như AI, Blockchain nói riêng, khi hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, thích ứng với phương án làm việc từ xa.
Tại FPT, đơn vị xác định AI là công nghệ mũi nhọn, cũng đang gặp khó khi tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Nguồn nhân lực hiện có của FPT mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu và dự kiến thiếu hụt khi tiếp tục mở rộng đầu tư.
Tương tự, Vingroup phải thực hiện “Chương trình Phát triển nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu Vingroup”, đào tạo chuyên gia AI trở thành lực lượng nòng cốt cho mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ Việt Nam.
“Mặc dù nhu cầu nhân lực AI tăng cao trong vài năm gần đây, song chỉ có khoảng 30% cử nhân công nghệ thông tin tốt nghiệp có thể làm việc liên quan đến AI, còn lại phải tiếp tục đào tạo mới có thể trở thành chuyên gia”, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata) nhận xét.
AI đang là ngành mà tất cả các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, CMC, Bkav, VNG… đều rất cần. Nhưng đáng nói là hiện nay trong số hơn 300 cơ sở đào tạo đại học, các viện nghiên cứu, chỉ có 11 cơ sở đào tạo ngành AI.
Cùng với nhu cầu lớn, AI đang là nhóm nhân lực CNTT lương khủng trên thị trường. Theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam - Developers Recruitment State 2021 vừa được TopDev công bố, lương kỹ sư AI rất cao, vào khoảng 3.054 USD/tháng. Dù lương cao, song việc tuyển dụng nhân sự AI chưa bao giờ dễ dàng. Thậm chí, việc thiếu nhân lực AI đã khiến nhiều dự án của các doanh nghiệp lớn phải chậm lại hoặc phải thuê kỹ sư AI nước ngoài, tốn hàng triệu USD.
Lời giải nào cho bài toán khó?
Bài toán thiếu nhân lực AI đang làm đau đầu nhiều doanh nghiệp Việt. Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, không dễ để giải bài toán khan hiếm nguồn nhân lực AI, một thách thức với FPT nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.
“Những người xuất sắc ở Việt Nam thường lựa chọn đi học ở nước ngoài, mà đã đi thì không trở lại. Trong khi đó, không chỉ doanh nghiệp Việt khát nhân lực, mà các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài cũng đến Việt Nam tìm kỹ sư công nghệ để mời sang nước họ làm việc do thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao. Một làn sóng khởi nghiệp với việc thâu tóm, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp công nghệ trong nước với các đối tác ngoại cũng góp phần khiến nguồn cung nhân lực AI ngày càng khan hiếm”, ông Việt chia sẻ.
Để giải quyết bài toán thiếu kỹ sư AI, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng phòng nhân sự, Trung tâm Không gian mạng Viettel, các doanh nghiệp phải chủ động đào tạo những nhân tài tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực trẻ.
Giải pháp cấp bách và cả lâu dài là việc đào tạo tại các trường đại học khoa học và kỹ thuật. Mô hình được áp dụng khá phổ biến hiện nay là doanh nghiệp đặt hàng, hỗ trợ trường, viện đào tạo. Điển hình như tại FPT, đơn vị dự kiến chi 300 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển AI trong vòng 5 năm tới. Trong đó, FPT đã hợp tác với Viện Nghiên cứu AI Mila (Canada).
TS.Nguyễn Xuân Phong, Nhà nghiên cứu AI, Viện Nghiên cứu AI Mila cho hay, Mila là mô hình đào tạo, gắn kết nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp. Viện được Chính phủ hỗ trợ về thuế, đất, các cơ chế thử nghiệm xe tự lái, chương trình AI và được hỗ trợ nền tảng tính toán. Viện AI Mila hiện có khoảng 20 công ty là các đối tác, trong đó có các tên tuổi lớn như Microsoft, Google, WeBank... Sau một thời gian hình thành, Mila không chỉ dừng lại ở trong các phòng nghiên cứu, mà tại đây thu hút một lượng lớn kỹ sư giỏi từ các nơi về phát triển các công nghệ, ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau.
“Nếu Việt Nam có những trung tâm tương tự, sẽ góp phần tích cực vào việc đào tạo nâng cao, phát triển nguồn nhân lực AI”, ông Phong bình luận.
PGS-TS. Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, để đẩy mạnh chất lượng đào tạo nhân lực ngành này, không chỉ bồi dưỡng cho sinh viên đại học kiến thức nền tảng, thuật toán, giải thuật bên trong, mà phải rèn kỹ năng để vận dụng vào thực tế, xây dựng những sản phẩm phục vụ xã hội, khuyến khích sinh viên làm quen, nghiên cứu khoa học về AI.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã phối hợp với các trường đại học thực hiện diện rộng chương trình phổ cập kỹ năng xây dựng dữ liệu ứng dụng của AI, thúc đẩy đào tạo chính quy trình độ đại học và sau đại học.
Theo dự báo của Analytics Insight, thị trường toàn cầu sẽ có hơn 20 triệu việc làm trong lĩnh vực AI vào năm 2023. Riêng năm 2021 nhu cầu khoảng 10 triệu việc làm về AI. Thống kê của Indeed cho thấy, kỹ sư AI có mức lương trung bình từ 95.000 đến 155.000 USD/năm.