Đối với một doanh nghiệp, việc không phải phụ thuộc nguồn vốn bên ngoài để chủ động trong các hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của mình là điều ai cũng mơ ước. Thế nhưng, đây là điều khó, đa phần doanh nghiệp không làm được điều đó, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), họ phải huy động vốn từ các cổ đông, các quỹ đầu tư, vay vốn ngân hàng…
Để gia tăng năng lực cạnh tranh khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực trong thời gian tới như FTA Việt Nam - EU, TPP, các SMEs đang tính đến việc mở rộng quy mô, nhất là những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện dùng vốn nội hay vốn ngoại lại trở thành vấn đề nóng bỏng lúc này.
Trước đây, các cổ đông thường rất lo ngại, thậm chí không tin tưởng khi đi vay vốn, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, vì bài học nhiều doanh nghiệp vỡ nợ, sụp đổ hay bị thâu tóm nhanh chóng trong giai đoạn 5 năm qua vẫn còn nóng hổi. Tuy nhiên, hiện nay họ lại rất ủng hộ phương án dùng vốn ngoại, bởi nông nghiệp là lĩnh vực hot, được các nhà đầu tư nước ngoài săn đón, tạo cơ hội cho họ bứt phá.
Song CEO đi ngược với ý kiến trên và đề nghị đợt chia cổ tức sắp tới, công ty nên hoãn thêm 3 năm nữa để lấy khoản tiền này tiến hành đầu tư cho hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Các cổ đông kiên quyết phản đối giải pháp của CEO vì cho rằng, không nhất thiết cứ lấy vốn tự có ra để đầu tư, mà cần phải biết tận dụng các nguồn lực bên ngoài, như vậy mới là kinh doanh khôn ngoan. Hơn nữa, thời gian vừa qua họ đã phải bỏ tiền đầu tư nhiều, trong khi đó chưa thu được đồng lợi nhuận nào, họ không muốn chờ đợi thêm ba năm nữa.
Đang mùa Đại hội cổ đông, vấn đề chia hay hoãn chia cổ tức luôn được dư luận, nhà đầu tư quan tâm.
“Niềm tin của cổ đông đang bị thử thách. Nếu không có niềm tin củng cố khối đoàn kết doanh nghiệp thì sẽ rất khó để sản xuất kinh doanh. CEO nên chia cổ tức cho cổ đông để tạo niềm tin cho cổ đông, sau đó CEO cần chia sẻ về tình hình công ty trong tương lai để huy động tiếp vốn từ cổ đông, nếu vẫn chưa đủ với số vốn để đầu tư nâng công suất gấp đôi, khi đó mới nghĩ đến phương pháp đi vay”, một cổ đông nhỏ lẻ cho biết.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đứng về phía CEO. “Phương án của CEO là hoàn toàn hợp lý. Với tiềm lực hiện tại, quy mô tài sản nhỏ, việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ mang tới rủi ro. Hơn nữa, việc tăng công suất nhà máy không đồng nghĩa với việc tăng doanh thu và lợi nhuận, khiến công ty có thể rơi vào trạng thái tăng chi phí và lợi nhuận chưa thể bù đắp”, một cổ đông nói.
Liên quan đến việc chi trả cổ tức, cổ đông này cũng cho rằng, nếu năm nay trả bằng tiền mặt, năm sau lại không thể trả, thì sẽ tạo hiệu ứng truyền thông còn nguy hiểm hơn. Còn nếu hoãn lại để tái đầu tư, công ty có thể trả trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, để đảm bảo cân đối và hài lòng cổ đông, CEO có thể cân nhắc biện pháp xoa dịu cổ đông, như đưa ra lộ trình cam kết chia cổ tức vào những năm tiếp theo. Hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hợp lý, gia tăng số lượng cổ phần cổ đông…
Vấn đề của doanh nghiệp này cũng thu hút các nhà môi giới thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), họ cho rằng, đây là thời cơ rất tốt để doanh nghiệp huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua bán cổ phần cho đối tác, chứ không chờ tới lúc bệnh tật hay già nua rồi mới lo chọn đối tác. Bởi một trong những điểm yếu nhất của các SMEs là quản trị tài chính thiếu bài bản.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, CEO buộc phải tìm đến các chuyên gia tư vấn của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, gồm ông Thái Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tư nhân VINA - VP Capital và ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, để tham khảo ý kiến nhằm đưa ra giải pháp hợp lý nhất.