Trước hết, cần xem xét các cơ sở dữ liệu về tăng trưởng GDP, để có thể tìm thấy các căn cứ có tính khả thi cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,8% như đã đề ra cho năm 2014. Số liệu tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là 5,18%, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5,8% thì trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt xấp xỉ 6,25%.
Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, từ 2013 trở về trước (trừ năm 2009), tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đều theo quy luật cao hơn so với 6 tháng đầu năm. 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP đạt mức tăng trưởng khá, song do sự kiện biển Đông nên một số lĩnh vực đạt mức thấp hơn mức tăng trưởng chung vốn đang trên đà phục hồi. Nếu xét trong bối cảnh kinh tế đang trên đà hồi phục như 6 tháng đầu năm thì chắc chắn con số tăng trưởng 6,25% cho nửa cuối năm là hoàn toàn trong tầm tay.
Tuy nhiên, biến cố Biển Đông dường như đang đặt ra nhiều thách thức hơn bao giờ hết cho mục tiêu tăng trưởng này. Cũng theo phân tích của ông Tuyến, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện vẫn còn mang tính phụ thuộc, trong đó, Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc về cung cấp nguyên vật liệu, dệt may, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, thiết bị cung cấp cho các công trình lớn, phụ thuộc về xuất khẩu nông sản.
Đặt tình huống quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc suy giảm hoặc thậm chí ngưng trệ do tác động từ biến cố biển Đông thì sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế, khiến việc thực hiện mục tiêu đạt được GDP cả năm ở mức 5,8% là khó khăn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thừa nhận, nền kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu vui trong nửa đầu năm, song sự kiện biển Đông chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế nửa cuối năm.
Ông Lâm đặt tình huống theo kịch bản xấu nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu triển khai ngưng trệ, kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này giảm, FDI Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam giảm mà chưa kịp tìm đối tác thay thế thì GDP có thể chỉ ở mức 5,5 - 5,6%, thấp hơn mục tiêu 5,8% đã đề ra.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, Việt Nam không bao giờ chịu ngồi yên mà sẽ tìm được bạn hàng khác thay thế, như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Ấn Độ, xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc...
Bên cạnh đó, chính sách của Chính phủ gần đây tập trung tái cơ cấu theo hướng ít chịu tác động hơn của Trung Quốc trong phát triển kinh tế, do đó cả ông Tuyến và ông Lâm đều chung nhận định, nếu có thay đổi kịp thời có thể bù đắp sự thiếu hụt do sự kiện biển Đông thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển và có khả năng hoàn thành mục tiêu này.
Ở diễn biến khác, trong báo cáo vừa đưa ra mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 đạt khoảng 5,7 - 5,8% do tính đến độ trễ của ảnh hưởng sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cũng theo khuyến nghị của các chuyên gia từ ủy ban này, điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn hết sức cẩn trọng, bởi những thách thức trong mối quan hệ với Trung Quốc vẫn là những biến số khó lường và câu chuyện với Trung Quốc sẽ là vấn đề dài hạn.
Do đó, theo báo cáo, mặc dù trước mắt nền kinh tế chưa phải chịu cú sốc lớn nào từ căng thẳng biển Đông, song ảnh hưởng kinh tế trong dài hạn từ vấn đề này là không thể tránh khỏi khi nguồn lực đã hạn hẹp của đất nước phải tiêu tốn vào các hoạt động nhằm đối phó với những rủi ro mới đang thường trực.
Cũng theo nhóm chuyên gia, hiện Trung Quốc đang cung cấp khoảng 50% nguyên liệu vải sợi cho Việt Nam, chỉ cần có sự chậm trễ trong cung cấp các đơn hàng cũng có thể gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành dệt may, một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, nếu thương mại giữa hai quốc gia ngưng trệ, thì mất cân đối cung - cầu lớn có thể xảy ra khiến cho giá cả tăng vọt. Khi đó, tác động dây chuyền tới các chỉ tiêu vĩ mô như lạm phát sẽ khó lường.
Như vậy, có thể thấy rằng, biến cố biển Đông dường như là yếu tố lớn nhất có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và giải quyết được biến cố này chắc chắn sẽ là giải pháp mang tính quyết định đối với việc đạt được mục tiêu đã đề ra. Vấn đề đặt ra hiện nay là để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 5,8% thì cũng đồng nghĩa với việc làm thế nào để nền kinh tế tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Đây vừa là thách thức vừa là thời cơ để các doanh nghiệp thực sự có ý thức trong việc tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế từ các bạn hàng quốc gia khác, mặc dù mức giá có thể đắt hơn 5-10% so với nguồn cung từ Trung Quốc nhưng có chất lượng cao hơn.