“Giấc mộng đêm hè” của các thị trường đang nổi đã chấm dứt?

“Giấc mộng đêm hè” của các thị trường đang nổi đã chấm dứt?

(ĐTCK) 2016 được kỳ vọng như một năm lột xác trở lại của các thị trường đang nổi. Song theo một số nhà phân tích, “giấc mộng đêm hè” của các thị trường này có thể chấm dứt khi giai đoạn tăng trưởng kinh tế ấn tượng đã rời xa.

Trên thực tế, các thị trường đang nổi phải đối mặt với một giai đoạn nhiều chông gai kể từ cuối năm 2013, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định chấm dứt chương trình mua trái phiếu khổng lồ. Một vài nền kinh tế đang nổi hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải vật lộn với đồng nội tệ yếu và thâm hụt tài khoản vãng lai cao.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm giá hàng hóa và nỗi lo sợ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại càng tạo ra những sức ép vô hình đối với những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu này. Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu được cải thiện với một vài quốc gia như Ấn Độ và Indonesia, thông qua quyết tâm theo đuổi những cải cách kinh tế và chính trị trong nước.

Lev Riaz, chuyên gia phân tích tại Quỹ đầu tư mạo hiểm Flint Capital nhận định: “Câu chuyện tăng trưởng của các thị trường đang phát triển là một chu kỳ có giới hạn và chỉ những nhà đầu tư duy trì được sự hiện diện mạnh mẽ tại đây mới có thể tiếp tục gặt hái được thành công và lợi nhuận cao”.

Chỉ số chứng khoán tổng hợp MSCI của các thị trường đang phát triển đã tăng 1,1% trong năm nay, sau giai đoạn khởi động khá chậm chạp. Cổ phiếu Trung Quốc mất giá mạnh hồi đầu năm do dữ liệu chế tạo và sản xuất yếu hơn dự đoán, đồng Nhân dân tệ mất giá và việc Bắc Kinh đưa ra các quy định quản lý mới để kiểm soát TTCK, đặc biệt là hoạt động bán khống cổ phiếu.

Quản lý Quỹ đầu tư toàn cầu Liontrust Global, Patrick Cadell đánh giá: “Cổ phiếu của các thị trường đang nổi đã và đang trong xu thế đi xuống kể từ năm 2011, nhất là sau các đợt giảm điểm do giá trị thị trường sụt giảm, niềm tin của các nhà đầu tư bị tác động tiêu cực sau các dữ liệu kinh tế kém khả quan. Mặc dù một vài thị trường vẫn sẽ đem lại những khoản lợi nhuận, song trên mặt bằng chung, các điều kiện ở những thị trường khác là chưa hấp dẫn để tạo ra sự cải thiện trong lợi nhuận”.

Một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazl có thể phải vượt qua những sức ép mới trên phương diện tăng trưởng kinh tế, khi các nhà đầu tư tái tập trung vào các yếu tố mang tính nền tảng. Chia sẻ về quan điểm này, nhà quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tài sản tại JPMorgan Asset Management, Emily Whiting cho rằng, để tạo ra động lực thúc đẩy cổ phiếu trên các thị trường đang nổi thì sự kỳ vọng vào nhân tố tăng trưởng kinh tế cần phải được cải thiện.

“Các nền kinh tế phát triển có thể duy trì nhịp độ tăng trưởng hiện tại của mình trong năm nay hoặc lâu hơn nữa, vì thế, điều mà các nhà đầu tư kỳ vọng lúc này là nhóm các thị trường đang nổi cũng sẽ phải sớm lấy lại động lực tăng trưởng”, Emily Whiting nhận định.

Sự đồn đoán trên các thị trường tiếp tục nổi lên gần đây về khả năng liệu Fed có tăng lãi suất trở lại trong tháng 6 hay tháng 7 hay không? Nếu điều này xảy ra thì nó sẽ có tác động lớn tới tỷ giá đồng USD, cũng như giá trị tài sản trên toàn thế giới, trong đó có các thị trường đang phát triển.

Bên cạnh đó, một khi lãi suất tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác tăng, thì động thái này cũng sẽ kéo các nhà đầu tư ưa thích lợi suất cao trở lại các thị trường phát triển. Trong trung hạn, yếu tố chi phối sẽ phụ thuộc rất nhiều vào con đường vận động của đồng USD, vốn sẽ tác động mạnh mẽ tới dòng chảy vốn và giá trị đồng nội tệ của các thị trường đang nổi.

Đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư tại thị trường đang phát triển, chuyên gia Lev Riaz tại Quỹ đầu tư mạo hiểm Flint Capital cho rằng, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nhiều thị trường đang nổi chưa được như kỳ vọng, chỉ các nhà đầu tư thấu hiểu văn hóa địa phương và thiết lập được một nền tảng vững chắc mới gặt gái được những khoản lợi nhuận đáng kể trong 10-15 năm tới.

Tin bài liên quan