Cơ hội không thiếu
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital kỳ vọng, năm nay, thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng 15 - 20%. Lý do là kinh tế Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư vì tốc độ tăng trưởng tốt, thị trường tài chính - tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ tương đối lớn.
Thêm nữa, cơ hội đầu tư trên thế giới hiện không còn nhiều, chỉ hiện diện ở những nước mới nổi, tại Đông Nam Á, cơ hội đầu tư ở Việt Nam vẫn mạnh hơn.
Theo thống kê, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 2,167 triệu tài khoản nhà đầu tư, trong đó có 24.738 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài năm 2018 vào ròng 2,8 tỷ USD, tổng vốn đầu tư nước ngoài ước đạt trên 35,4 tỷ USD.
Dòng vốn này vẫn hướng đến các cơ hội IPO, thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn, hiệu quả và công ty niêm yết có vốn hóa lớn, còn “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Có thể, trong vài năm tới, dòng vốn ngoại sẽ chuyển sang các doanh nghiệp ở phân khúc vốn hóa thấp hơn, vì lý do định giá hấp dẫn hơn.
Đặc biệt, năm 2019, Bộ Tài chính cũng kỳ vọng thu về 50.000 tỷ đồng từ thoái vốn, cao hơn 40% so với năm 2018. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) ước tính, đóng góp cho kết quả này hầu hết sẽ đến từ các thương vụ bị tạm hoãn từ năm 2017 - 2018. Kế hoạch thoái vốn năm 2018 vẫn đang “treo” với hơn 80 công ty trong danh sách chờ, chưa kể những công ty có kế hoạch thoái vốn năm 2019.
Minh chứng là năm 2018 chỉ có 3/8 đơn vị lớn đã hoàn tất IPO là PVOil, PVPower, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Trong đó, PVOil và BSR đã đăng ký giao dịch UPCoM, PVPower dự kiến chuyển niêm yết sang HoSE từ ngày 14/1 tới.
Năm 2019, sẽ có một số thương vụ thoái vốn lớn, như bán 20% vốn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), 25% vốn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, 35% vốn Tổng công ty Hàng không Việt Nam, 53% vốn tại Tổng công ty Viglacera, 58% vốn Tổng công ty Thép Việt Nam, 53% vốn Tập đoàn Dệt may Việt Nam và 82% vốn của Habeco.
Quan trọng là sản phẩm có tính thanh khoản
Nhìn vào danh mục nói trên, có thể thấy phần lớn là những khoản đầu tư từ lâu vẫn được “nhòm ngó” và chờ đợi. Tuy nhiên, thị trường sẽ luôn biến động và nhà đầu tư có thể nản vì chờ đợi.
Chẳng hạn trường hợp của Habeco và Vinatex. Mới đây, Bộ Công thương đã chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Vinatex về SCIC, với giá trị vốn trên 2.600 tỷ đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ của Vinatex. Vinatex được đánh giá là “viên ngọc” đối với nhà đầu tư vì sở hữu rất nhiều quyền sử dụng đất có giá trị cao, đặc biệt là một số miếng đất vàng có diện tích lớn tại Hà Nội.
Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng, việc thoái vốn nhà nước tại Vinatex sẽ gặp không ít khó khăn trong giai đoạn này, bởi sức hấp dẫn của ngành dệt may không còn được như trước.
Trong khi đó, quá trình thoái vốn tại Habeco ì ạch vì còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Ngoài điểm nghẽn về cơ chế quản lý và sai lầm trong việc chọn đối tác chiến lược (Carlsberg), xu hướng tăng trưởng của ngành cũng đang chậm lại. Hiện các doanh nghiệp bia nội địa đang phải đối mặt với xu hướng tiêu dùng bia nhập khẩu.
Theo VDS, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có điều chỉnh để tăng tốc tiến độ thoái vốn nhà nước như hạ giá chào bán hoặc từ bỏ cổ phần kiểm soát trong doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.
Ông Andy Ho thì cho rằng, các nhà đầu tư không gặp khó khi tìm cơ hội đầu tư, quan trọng là chất lượng doanh nghiệp có đáp ứng tiêu chuẩn của nhà đầu tư hay không. “VinaCapital chỉ định đầu tư vốn. Chúng tôi muốn dựa vào ban điều hành để phát triển công ty, do đó, họ phải chứng minh được khả năng phát triển và chúng tôi mong muốn doanh nghiệp niêm yết để Quỹ có cơ hội bán cổ phần, lấy lại vốn trả cho nhà đầu tư”, ông Andy Ho nói.
Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn các thương vụ thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, thị trường hơi trầm lắng và quy trình xử lý chậm khiến nhà đầu tư nản. Bằng chứng là hơn một năm nay, các vụ tư vấn thoái vốn của VCSC giảm phải đến 80%. Vậy nên, đại diện VCSC cho rằng, con số 50.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính kỳ vọng có thể chỉ là “giấc mơ”.
Điều này cho thấy, ngoài việc “tháo ngòi” cho cơ chế thoái vốn, thị trường thanh khoản của sản phẩm luôn là yếu tố quan trọng nhất đối với nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư mua trái phiếu hay cổ phiếu đều mong muốn 5 - 15 năm sau có thể thoái vốn. Vì vậy, luật pháp liên quan đến sản phẩm phải rõ ràng, áp dụng cho tất cả. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải minh bạch và nên có bản tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Andy Ho cho biết.