Vì sao chứng khoán phải xanh?
Thế giới ngày càng đối mặt với rủi ro bất thường, xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của con người trong quá trình phát triển kinh tế gây ra. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, trái đất nóng lên…, đã trở thành câu chuyện chung trên toàn cầu, buộc các nước bên cạnh việc thúc đẩy nền kinh tế đi lên, phải tìm ra các biện pháp để bảo vệ sự an toàn của trái đất, duy trì đời sống an lành cho nhân loại.
Nhiều nhà đầu tư tài chính thay vì chọn lựa đầu tư theo tiêu chí duy nhất là khả năng sinh lợi, thì nay, sự chọn lựa có thêm yếu tố dự án đó, doanh nghiệp đó có gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đến môi trường hay không? Trên thế giới, hàng nghìn quỹ đầu tư lớn đã cùng ký cam kết chọn lựa đầu tư vào các quốc gia, các doanh nghiệp theo tiêu chí phát triển bền vững.
20 năm tới, giấc mơ Việt Nam có nền chứng khoán xanh liệu có thành công không, đòi hỏi sự sáng tạo trong cách làm và nỗ lực của nhiều chủ thể.
Ở Việt Nam, Dragon Capital là công ty quản lý quỹ đầu tiên xác lập nguyên tắc đầu tư theo tiêu chí phát triển bền vững, theo đó, các doanh nghiệp mà công ty này rót vốn phải đạt những tiêu chí nhất định về an sinh, môi trường. Dragon Capital là nhà tài trợ duy nhất cho Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam gần 10 năm qua.
Trong khuôn khổ của cuộc bình chọn, từ 3 năm nay, Ban Tổ chức và các tổ chức phối hợp (HOSE, Báo Đầu tư Chứng khoán, HNX, IFC, UBCK, ACCA) đã xây dựng thêm giải thưởng báo cáo phát triển bền vững, để thúc các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng giá trị hướng đến và dần làm quen với sự khắt khe của các nhà đầu tư quốc tế.
Một nghiên cứu mới đây của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, dù phải tuân thủ nhiều quy định và sự giám sát khắt khe hơn, nhưng sản phẩm trái phiếu xanh tại nhiều quốc gia đang có sự phát triển ấn tượng và ngày càng được ưa chuộng.
Chẳng hạn tại Pháp, nếu như năm 2007, loại trái phiếu này mới bắt đầu “ra chợ” thì đến năm 2014, quy mô phát hành đã lên tới 40 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 60 tỷ USD. Pháp hiện là quốc gia có tỷ lệ phát hành trái phiếu xanh trong Top lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 11%), sau đó đến Mỹ (khoảng 8%), Đức (trên 5%) và hàng loạt quốc gia khác cũng đã triển khai sản phẩm này.
Hiểu một cách chung nhất, trái phiếu xanh là công cụ nợ của chính phủ hoặc của doanh nghiệp, huy động vốn phục vụ cho những mục tiêu, dự án thân thiện với môi trường và xã hội.
Ở nhiều nước, khái niệm này được hiểu rộng hơn, đó là công cụ huy động vốn cho các dự án đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững. Tùy từng giai đoạn và tùy từng quốc gia, các dự án huy động trái phiếu xanh sẽ phải đáp ứng tất cả hoặc một phần quy định về ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Theo đó, nhiều nơi có xu hướng sử dụng thuật ngữ trái phiếu phát triển bền vững, thay cho từ gốc ban đầu là trái phiếu xanh.
Sở dĩ sản phẩm này ngày càng được đón nhận vì xu hướng đầu tư có trách nhiệm với xã hội đang trở thành chuẩn mực trong hoạt động của các nhà đầu tư quốc tế.
Ở Việt Nam, mối quan tâm về nỗ lực chống biến đổi khí hậu dường như vẫn của riêng Chính phủ và một số cơ quan chức năng, trong khi tại nhiều nền kinh tế, ý niệm này “ngấm” đến nhiều chủ thể, mỗi đồng vốn bỏ ra đầu tư đều được cân nhắc trên lợi ích mang lại cho người đầu tưvà lợi ích cho xã hội, phát sinh từ đồng vốn đầu tư đó.
Điểm đáng chú ý là thời gian qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và HNX đã tham gia ký cam kết phát triển bền vững cùng nhiều Sở giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới.
Theo đó, bên cạnh trách nhiệm tổ chức thị trường, thúc đẩy tính minh bạch và công bằng, HOSE và HNX còn có trách nhiệm hỗ trợ, đưa dần câu chuyện phát triển bền vững đến với các doanh nghiệp, đưa ý niệm trái phiếu xanh đến với các chủ thể có khả năng vay nợ để đầu tư các dự án mới.
Chứng khoán xanh cần trở thành câu chuyện gần gũi
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HOSE, trong câu chuyện kể về những năm đầu xây dựng TTCK có nói, giấc mơ của thế hệ đầu tiên đó là TTCK Việt Nam vận hành an toàn, suôn sẻ, thị trường cổ phiếu có nhiều hàng hóa, còn thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ giúp giảm áp lực nợ cho ngân sách (lãi suất vay thấp hơn, kỳ hạn vay dài hơn) và đáp ứng tốt nhu cầu vốn của Chính phủ là mừng.
Xây dựng TTCK trên nền nền kinh tế vừa bước vào giai đoạn Đổi mới để tìm cách vượt qua mức kém phát triển, thế hệ đầu tiên như ông Dũng và nhiều thành viên kiên định với thị trường như ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE… chia sẻ cảm nhận, TTCK Việt Nam không đổ vỡ đã là thành công.
Giấc mơ 20 năm đầu tiên đã khép lại với những kết quả đẹp đẽ (quy mô TTCK liên tục tăng, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm dần...), nhưng 20 năm tới, giấc mơ Việt Nam có nền chứng khoán xanh liệu có thành công không, đòi hỏi sự sáng tạo trong cách làm và nỗ lực của nhiều chủ thể.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách HNX cho biết, Chính phủ đã có thông điệp thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, đây là điều kiện thuận lợi để TTCK tính đến việc triển khai sản phẩm mới: trái phiếu xanh. Tuy nhiên, như bà Lan đánh giá, để làm được việc này, phải có sự vào cuộc của Nhà nước.
Ở một số nước, Chính phủ đã hỗ trợ sản phẩm này bằng việc giảm thuế hoặc đứng ra bao tiêu sản phẩm của các dự án xanh, đảm bảo sản xuất ra là có nơi tiêu thụ. Trong giấc mơ 20 năm tiếp theo, bà Lan chia sẻ, bên cạnh việc cấu trúc thị trường trái phiếu hoàn thiện hơn (xây dựng thêm thị trường trái phiếu doanh nghiệp), làm thế nào để các doanh nghiệp trên TTCK hướng đến quy chuẩn phát triển bền vững, để TTCK thực sự hiệu quả và bền vững hơn.
20 năm đầu tiên của ngành chứng khoán Việt Nam chứng kiến không biết bao nhiêu thăng giáng, chỉ số chứng khoán từng vọt lên trên 1.170 điểm, rồi từng rơi sâu xuống 230 điểm. Chỉ số chứng khoán chỉ là một chỉ tiêu để đo lường, còn rất nhiều chỉ tiêu khác để nhận ra sự khắc nghiệt và đào thải của thị trường là dữ dội.
Chẳng hạn, trên 100 công ty chứng khoán mở ra, nay chỉ còn chưa đầy 70 công ty còn hoạt động, trong đó số bám trụ được và có lãi chỉ khoảng 30 công ty. Trên 1,6 triệu tài khoản nhà đầy tư được mở tính theo lũy kế mỗi năm, mỗi ngày, nhưng tỷ lệ bám trụ và còn ở lại với thị trường chắc chắn rất nhỏ.
Sự khắc nghiệt của một thị trường tài chính bậc cao đòi hỏi mỗi chủ thể muốn gia nhập và bám trụ ở lại phải tự hoàn thiện mình theo các quy chuẩn cao hơn.
Với thiên nhiên, với môi trường, nếu không có ý thức bảo vệ nguồn sống tự nhiên này thì một ngày nào đó, chính chúng ta cũng là đối tượng bị đào thải.
Chứng khoán xanh, vì thế, đáng được quan tâm, thúc đẩy để trở thành câu chuyện gần gũi với mọi chủ thể trong nền kinh tế kể từ năm 2017, nhất là khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đưa ra ý niệm này trong thông điệp đầu năm.
5 nhiệm vụ trọng tâm 2017
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là tập trung phát triển TTCK hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Để làm được việc này, năm 2017 cần tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ chính sau:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là hệ thống Luật Chứng khoán thế hệ mới;
Thứ hai, cơ cấu lại TTCK và cơ quan quản lý. Đẩy nhanh tiến trình hợp nhất 2 Sở GDCK, đảm bảo nguyên tắc phát triển TTCK với nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng hoạt động;
Thứ ba, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để có thể đưa TTCK phái sinh vào hoạt động từ quý II/2017. Hoàn thiện các điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể triển khai từ năm 2018.
Thứ tư, tổ chức tốt công tác đấu thầu và tổ chức giao dịch trái phiếu Chính phủ, thúc đẩy các địa phương tăng cường công tác huy đông vốn trên thị trường trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu xanh.
Thứ năm, thúc đẩy hoạt động đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.