Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, việc tăng giá 900 đồng/lít xăng ngày 20/12 là mức tăng cao nhất trong năm. Khó khăn đang được nhìn thấy trước đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa.
"Tăng giá xăng có lợi cho thu Ngân sách cuối năm nhưng đẩy áp lực sang các doanh nghiệp, người dân và có thể tăng lạm phát trong tháng cuối năm, đây là căn nguyên của biến động giá cho đầu năm tới. Nếu quỹ đạo tăng giá cuối năm không được hạ, chắc chắn trong tết và sau tết, chúng ta sẽ phải cong mình giải quyết vấn đề giá hàng hóa, dịch vụ", ông Doanh nhận định.
Bên cạnh đó, việc tăng giá xăng được cho là "tác động cộng hưởng", "bệ đỡ" khiến giá phí vận tải, giá vé xe khách tăng. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Cuối năm, chúng ta thường thấy vé xe khách tăng ở nhiều tuyến đường dài. Xăng dầu tăng giá nhiều sẽ hỗ trợ cho hành vi này. Các cơ quan chức năng cần rà soát việc tăng giá vé xe để ngăn chặn tình trạng té nước theo mưa, ồ ạt tăng vé chỉ bởi vin cớ, cố tình đẩy giá lên cao".
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: Mức tăng giá xăng trong ngày hôm qua đã và đang là thách thức, khó khăn đặt ra cho các doanh nghiệp. Không loại trừ giá hàng hóa có thể tăng, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát tăng nhanh trước, trong và sau tết.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương,trong đợt điều chỉnh giá này, nếu không trích Quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng có thể sẽ tăng cao hơn. Do đó, có ý kiến cho rằng, xăng tăng 900 đồng/lít đã là cách tăng phù hợp, tăng theo cơ chế thị trường khi nguồn xăng dầu nhập đã tăng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: "Nếu đã chơi cuộc chơi thị trường, chúng ta nên sòng phẳng. Tăng giá xăng khi xăng dầu thế giới tăng và giảm giá xăng ngay khi xăng dầu thế giới giảm.
Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam, tăng thì nhanh, giảm chậm đi, tăng nhiều, giảm nhỏ giọt và lần nào cũng viện cớ quỹ bù lỗ. Chúng ta đang đánh giá không sát, không trúng thời điểm, thị trường để làm thước đo cho giá".
Chia sẻ với Dân Trí, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, tăng giá xăng có thể gây sốc cho người dân và đây là mức tăng giá đột biến toàn thị trường thời điểm cuối năm. Với giá xăng tăng cao, theo ông Liên thời gian tới giá dịch vụ vận tải taxi sẽ tăng.
"Theo quy định, sau khi giá xăng tăng 5%, sau 15 ngày DN được kiến nghị điều chỉnh giá. Hiện đại đa số các hãng taxi đã khoán, bán đầu xe cho người lái taxi, chỉ thu tiền hàng tháng, không tăng giá cũng không được mà tăng giá cũng khiến hãng bị ảnh hưởng. Đối với taxi, sẽ làm báo cáo giá lên Sở Tài chính, Giao thông và đơn vị chức năng, sau đó mở đồng hồ và điều chỉnh giá.
Mỗi lần như vậy, sẽ khá tốn kém, do đó hầu hết các hãng taxi không muốn giá xăng tăng cao, giảm nhanh vì có thể làm xáo trộn kế hoạch dịch vụ của mình", ông Liên chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Trí, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay: "Giá xăng dầu tăng, chắc chắn áp lực buộc các hãng vận tải tăng giá, đó là quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, phải nói rằng, giá xăng tăng cao, thì cuối cùng chúng tôi là người bị ném đá nhiều nhất".
Chắc chắn từ nay đến tết, giá vé xe sẽ tăng nhưng điều chỉnh mức nào thì không ai biết được bởi nó theo đặc thù mỗi tuyến.
- Đại diện Hiệp hội vận tảiViệt Nam.
Ông này giải thích: "Ai nói cuối năm giá xăng tăng để "hỗ trợ" phí vận tải tăng là không hiểu và không thông cảm cho ngành vận tải. Thực tế, các DN không hề muốn xăng tăng giá làm gì, tăng nhỏ giọt, họ cố chịu đựng, tăng nhiều họ phải tự điều chỉnh vé, khiến cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn".
Đối với vận tải đường bộ hiện nay, có những thứ được ông Thanh cho là khủng khiếp hơn nhiều là: phí bảo trì đường bộ, phí BOT, còn xăng dầu chỉ là một phần rất nhỏ. Các DN làm ăn chân chính, sẽ không vì giá xăng tăng mà tăng giá vé.
Chỉ những tuyến đường nào có ít nhà xe, xe ít mà nhu cầu nhiều, giá vé mới tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá vé này do nhà xe tự làm, các cơ quan chức năng không cổ xúy. Thông thường cuối năm, có nhiều cuộc rà soát giá vé, thanh tra các hãng xe.
Đại diện Hiệp hội vận tải Việt Nam thừa nhận: Chắc chắn từ nay đến tết, giá vé xe sẽ tăng nhưng điều chỉnh mức nào thì không ai biết được bởi nó theo đặc thù mỗi tuyến. "Các hãng vận tải hiện nay đều được quyền tự kê khai giá với Sở Tài chính và thực hiện tăng giá vé. Tuy nhiên, mức tăng trong giới hạn cho phép, nếu vượt quá họ sẽ bị tuýt còi và bị phạt rất nặng.
Hơn nữa, tăng giá vé sẽ khiến cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt hơn, điều này các DN làm ăn có thương hiệu họ không có chủ trương", ông Thanh nói.
Trên thực tế, thời điểm cuối năm khá nhiều tuyến xe đường dài tăng giá vé. Những xe chạy chiều từ Hà Nội vào Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh miền Trung; Xe từ TP.HCM ra các tỉnh miền Trung, hay về các tỉnh miền Tây, miền Đông vẫn có tình trạng tăng vé gấp 2 thậm chí 3 đến 5 lần so với bình thường. Đây là chuyện lặp đi lặp lãi mỗi năm.
Thực tế này do một số tuyến xe, nhà xe, ở 1 số bến xe đã bị gom mua, người có nhu cầu không thể mua vé việc bán ghé thu tiền thay vì bán vé thu tiền đã khiến giá vé bị đội lên cao hơn nhiều lần. Điệp khúc này lặp đi lặp lại gây vấn đề quản lý giá vé khá nhức nhối.
Theo giải thích của ông Thanh: Việc tăng giá vé đã xảy ra, nhiều chủ xe cho biết họ phải phụ thu vì hầu hết xe chạy dịp cuối năm, cận tết là xe chạy 1 chiều, xe rỗng từ các tỉnh lẻ đổ về các trung tâm kinh tế lớn.
Để chống lại "con sâu bỏ rầu nồi canh" này, Hiệp hội đề nghị cuối năm nên nhân rộng hơn mô hình tổ chức thuê xe đưa đón công nhân về các tỉnh, giảm tải lượng cầu vượt quá cung. Đồng thời, phải công khai cho các DN được phụ thu 20% đến 40% giá vé, để họ bù lỗ chạy chiều xe rỗng để quản lý tốt và chống hiện tượng tăng giá cuối năm.