Giá xăng tăng chiều 1/6 đang làm "nóng" nghị trường Quốc hội.
Còn dư địa để giảm thuế
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 1/6, nhiều đại biểu lo lắng về việc giá xăng dầu tăng cao làm giá cả các mặt hàng khác leo thang liên tục, gây sức ép ngày càng lớn đến nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề nghị cần quan tâm thích đáng tới lạm phát. Chính phủ và chính quyền các cấp cần kiểm soát giá các mặt hàng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng. Bà đề nghị cần sớm điều hành chính sách để giảm giá xăng dầu.
Bàn giải pháp cụ thể, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, để đạt mục tiêu kinh tế nước ta tăng trưởng 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay, Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến 2 biến số quan trọng, đó là giá xăng dầu và giá lương thực. Trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng domino đối với các mặt hàng giá cả khác.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân kiến nghị giảm thuế đánh lên xăng dầu để "hạ nhiệt" giá mặt hàng này. |
Chính phủ cần hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên hành lang Quốc hội chiều 1/6, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng kiến nghị can thiệp chính sách để hạ giá xăng dầu. Ông Cường nói, dư địa của công cụ thuế vẫn còn, thời gian qua chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đánh lên xăng dầu, hiện tại có thể giảm tiếp thuế này cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
"Tất nhiên, giảm thuế lúc này sẽ có tác động lớn đến ngân sách, nhưng theo tôi tác động của việc giảm thu ngân sách vẫn không lớn bằng tác động của giá xăng dầu tăng cao kéo theo hàng loạt mặt hàng khác tăng theo", ông Cường nêu quan điểm.
Bình ổn giá các mặt hàng khác
Bên cạnh các ý kiến đề xuất giảm thuế liên quan đến xăng dầu, một số đại biểu khác cho rằng cần nhanh chóng bình ổn giá các mặt hàng đang tăng phi mã do giá xăng dầu tăng.
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, cần kết hợp giảm thuế và bình ổn giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (điện, nước, viễn thông...) để giảm gánh nặng chi phí cho người dân.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trả lời phỏng vấn báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội chiều 1/6 (ảnh: M.M) |
Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) đề nghị điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng phục vụ sản xuất để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.
"Giá xăng và nguyên vật liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều tăng làm ảnh hưởng đến triển khai nhiều công trình lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Số liệu thống kê cũng cho thấy các chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở nhiều lĩnh vực, do đó sẽ có những tác động đến đời sống của người dân", đại biểu đoàn Gia Lai nói.
Ở một góc tiếp cận khác, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị giải pháp giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế.
Ông Tuấn nhận định, giá cả hàng hóa tăng, tín hiệu lạm phát đang rõ nét. Mặc dù 4 tháng đầu năm chỉ số CPI chỉ tăng 2,1%, tuy nhiên, xu hướng từ nay tới cuối năm, tình hình giá cả nhiều mặt hàng, trong đó có nhóm mặt hàng tiêu dùng, sản xuất nguyên vật liệu năng lượng có thể tăng cao hơn.
Theo tính toán, cứ 1% tăng trong chi phí nguyên vật liệu thì sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân.
Giảm tối đa các hoạt động làm phát sinh chi phí trung gian trong nền kinh tế là các giải pháp cần tập trung ổn định sản xuất, khuyến khích tiêu dùng ổn định đời sống cho người lao động.
ĐBQH Trần Anh Tuấn
"Do đó, chính sách ổn định giá cả trong thời gian tới nên được thiết kế theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế.
Trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên được tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế.
Đặc biệt cần xem xét giảm thêm thuế suất, thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân", vị đại biểu TP. Hồ Chí Minh đề nghị.
Đứng về phía người dân, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) kiến nghị, cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên liệu xây dựng; có chính sách quan tâm đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tác động bởi tăng giá là nông dân và công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Ông An nhấn mạnh, nên hỗ trợ tối đa để người lao động không phải bất đắc dĩ đi rút bảo hiểm xã hội một lần như thời gian qua, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm như là Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, vị đại biểu cho rằng cần duy trì lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Chiều 1/6, liên Bộ Tài chính - Công Thương công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 30.230 đồng/lít và xăng RON 95 là 31.570 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 26.390 đồng/lít, dầu hỏa là 25.340 đồng/kg, dầu mazut là 20.900 đồng/kg.
Đây là đợt tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 11 của mặt hàng này từ đầu năm đến nay.