Giá xăng dầu tăng cao tạo áp lực lớn lên lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước tăng chóng mặt, đang tạo áp lực rất lớn đến lạm phát của Việt Nam.
Giá xăng dầu tăng cao tạo áp lực lớn lên lạm phát

Ám ảnh lạm phát tăng cao

Không còn là dự báo nữa, mà giá dầu thế giới đã thực sự vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) trong tuần này đã tăng 7,1% lên mức 104,97 USD/thùng. Vốn đang neo ở mức cao, lại thêm chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng đã đẩy giá dầu tăng cao từng ngày.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, ngày 1/3, Liên bộ Tài chính - Công thương tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu, đưa giá xăng RON 95 lên tiệm cận mức 27.000 đồng/lít, cao nhất kể từ năm 2005 đến nay.

Giá dầu thế giới và giá xăng dầu ở thị trường trong nước tăng cao đang tạo áp lực rất lớn đến lạm phát của Việt Nam, dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, mới tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.

Thậm chí, nếu so với các năm kể từ năm 2018 trở lại đây, thì mức tăng 1,68% không phải là cao. CPI bình quân 2 tháng của năm 2018 là 2,9%. Con số này của 2 tháng đầu năm 2019 là 2,6%; của 2 tháng đầu năm 2020 lên tới 5,91%. Hai tháng đầu năm ngoái, CPI bình quân còn giảm 0,14%.

“Nếu chỉ nhìn con số 1,68% thì thấy là thấp. Nhưng mô hình năm nay, CPI sẽ tăng dần, chứ không giảm dần như những năm trước. Vì vậy, mức tăng 1,68% lại là cao. Nếu cứ đà tăng dần như thế này, thì áp lực lạm phát là rất lớn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Có chung quan điểm, ông Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, năm nay, điều hành giá cả và lạm phát là khó nhất. “Khó nhất là bởi, đó là lạm phát nhập khẩu, lạm phát chi phí đẩy và chúng ta sẽ không thể kiểm soát được điều đó”, ông Đặng Đức Anh nói.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã nhấn mạnh điều này. “Khó nhất là giá dầu”, tất cả các quan điểm đều thống nhất như vậy.

Hôm đó, ngày 25/2, Bộ Tài chính đã báo cáo 3 kịch bản điều hành giá. Tuy nhiên, các kịch bản này ngay lập tức trở nên lạc hậu, bởi khi xây dựng, Bộ Tài chính chủ yếu tính giá dầu thô dưới 100 USD/thùng. Nhưng hiện nay, giá dầu thô đã vượt mốc 100 USD/thùng và được dự đoán còn tiếp tục tăng thêm.

Vấn đề nằm ở chỗ, không ai có thể lường trước được giá dầu sẽ ở mức bao nhiêu, bởi ngoài yếu tố cung - cầu như thường lệ, còn phụ thuộc khá nhiều vào chiến sự Nga - Ukraine, vào bất ổn chính trị toàn cầu.

Không những vậy, chiến sự này cũng được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung và giá cả nhiều mặt hàng khác, bao gồm cả lương thực, chất bán dẫn... Là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chuyện “nhập khẩu” lạm phát là khó tránh ở Việt Nam.

Chưa kể, lạm phát của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 còn chịu các áp lực khác, từ sự phục hồi của nền kinh tế, cung tiền tung ra lớn, nhu cầu tiêu dùng hồi phục và từ cả chuyện chi phí đầu vào sản xuất tăng cao từ hồi năm ngoái đến nay mới được phản ánh vào giá bán hàng hóa.

Giá xăng dầu tăng đã tác động tới chỉ số giá, đòi hỏi phải phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát.
Giá xăng dầu tăng đã tác động tới chỉ số giá, đòi hỏi phải phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát.

Ngăn lạm phát vượt ngưỡng 4%

Có một câu hỏi được đặt ra, là lạm phát năm nay sẽ dừng ở mức bao nhiêu? Năm 2021, lạm phát Việt Nam là 1,84%, nhưng năm nay, con số sẽ có thể chạm ngưỡng, thậm chí vượt 4%.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đưa ra con số lạm phát khoảng 3,8%.

Trong khi đó, Dragon Capital cũng đã đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho Việt Nam, dựa trên giá dầu và diễn biến xung đột Nga - Ukraine.

Cụ thể, ở kịch bản 1, trong trường hợp xung đột kết thúc và đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu ở mức 88 USD/thùng, thì lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 3,58%.

Là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chuyện “nhập khẩu” lạm phát là khó tránh ở Việt Nam.

Ở kịch bản 2, nếu xung đột leo thang và đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu ở mức 100 USD/thùng, thì lạm phát của Việt Nam là 3,8%.

Còn ở kịch bản 3, nếu Nga tiến hành trả đũa và thỏa thuận với Iran không thành công, giá dầu ở mức 105 USD/thùng, thì lạm phát sẽ vượt ngưỡng 4%, tăng tới 4,18%.

Không biết tình hình thế giới sẽ diễn biến theo tình huống nào, nhưng hiện tại, giá dầu đã gần chạm ngưỡng 105 USD/thùng và điều đó cho thấy, áp lực lạm phát tăng cao là rất lớn.

Chính Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đã đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, “lường trước tình huống xấu hơn” để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Để điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã chỉ đạo phải tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát lạm phát cơ bản tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát chung. Cùng với đó, rà soát, chuẩn bị các yếu tố cần thiết để có giải pháp phù hợp trong vấn đề điều chỉnh giá một số dịch vụ công nhà nước...

Nhưng quan trọng nhất vẫn là giá xăng. Cái khó của Việt Nam hiện nay không chỉ là giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng cao, mà còn là nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng, do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, vốn đóng góp tới 34% nguồn cung trong nước, đang sụt giảm sản lượng.

Ở một góc độ khác, trước nay, khi giá xăng dầu thị trường thế giới tăng cao, Bộ Tài chính sẽ sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, song hiện nay, dư địa sử dụng biện pháp này không còn nhiều. Bởi theo thông báo mới đây của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2021, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ còn gần 899 tỷ đồng và có tới 14 doanh nghiệp, bao gồm hai doanh nghiệp lớn là Petrolimex và PVOil, đã âm quỹ bình ổn.

Cũng vì lý do đó, Bộ Tài chính mới đây đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Đây có thể là một biện pháp cần thiết để tới đây có thể bình ổn giá xăng dầu nếu giá thị trường thế giới tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, đồng ý giảm thuế hay không còn phụ thuộc vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Còn hiện tại, nỗi lo lạm phát cao quay trở lại đang hiện hữu...

Tin bài liên quan