Giá bán lẻ xăng dầu giảm nhẹ từ 15 giời chiều 4/1/2024.
Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu có sự thay đổi nhẹ từ 15 giờ chiều nay.
Theo điều hành của liên Bộ Công thương - Tài chính, giá bán lẻ mỗi lít xăng giảm 180-232 đồng, các mặt hàng dầu cũng giảm 190-500 đồng tùy loại.
Cụ thể, sau điều chỉnh, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu như sau:
Xăng E5RON92 có giá 21.006 đồng/lít (giảm 180 đồng/lít), thấp hơn xăng RON95-III 911 đồng/lít; Xăng RON95-III 21.916 đồng/lít (giảm 232 đồng/lít), dầu diesel 19.368 đồng/lít (giảm 420 đồng/lít), dầu hỏa 19.957 đồng/lít (giảm 500 đồng/lít) và dầu madút 180CST 3.5S: 15.495 đồng/kg (giảm 190 đồng/kg).
Tại kỳ điều hành đầu năm 2024, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với dầu madút ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước), không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa.
Đồng thời không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Như vậy, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đã giảm nhẹ ở ngay kỳ điều hành đầu tiên của năm mới.
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 27/12/2023-04/01/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: gián đoạn tại mỏ dầu hàng đầu của Libya làm gia tăng lo ngại căng thẳng ở Trung Đông, có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu, các cuộc tấn công tàu ở Biển Đỏ vẫn chưa dừng lại, các quốc gia OPEC+ dự kiến xem xét thực hiện cắt giảm sản lượng dầu…
Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có biến động tăng, giảm nhẹ đan xen.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá như sau: 87,460 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92, giảm 0,95%; xăng RON95 91,233 USD/thùng, giảm 1,20%; dầu hỏa 99,008 USD/thùng, giảm 2,89%, dầu diesel 96,798 USD/thùng, giảm 2,46%, dầu mazut 438,895 USD/tấn, giảm 2,09% so với kỳ trước.
Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023 và đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2024, khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của doanh nghiệp, Bộ Công thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024 gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại (cao hơn năm 2023 2,4 triệu m3/tấn).
Theo người đứng đầu ngành Công thương, xăng dầu là vật tư chiến lược và vật tư hàng hóa có tác động rất lớn đến chỉ số CPI, ổn định kinh tế vĩ mô, nên vừa vận hành theo cơ chế thị trường nhưng vừa phải bảo đảm vai trò nhà nước trong việc quản lý điều tiết các mặt hàng này.