Trao đổi với PV Dân trí chiều 3/8, đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, trong chu kỳ vừa qua, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng nhẹ.
Do đó, trong kỳ điều hành diễn ra vào hôm nay (4/8), nhiều khả năng cơ quan điều hành sẽ cho tăng giá các mặt hàng này.
“Trong trường hợp cơ quan điều hành giữ nguyên không cho xả quỹ bình ổn thì giá xăng có khả năng tăng 500 đồng/lít. Còn nếu xả quỹ thì mức tăng có thể thấp hơn”, vị này cho biết.
Theo cập nhật giá xăng dầu của Bộ Công Thương, hiện giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore (thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam) cao hơn so với kỳ điều hành trước khoảng 3-4 USD/thùng.
Trong kỳ điều hành gần nhất diễn ra hôm 20/7, giá xăng RON 92 tăng 357 đồng/lít lên mức tối đa 16.426 đồng/lít; xăng E5 tăng 333 đồng/lít lên 16.251 đồng/lít; Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng nhẹ so với kỳ điều hành trước.
Trong đó, dầu diesel 0.05S tăng 372 đồng/lít lên 13.329 đồng/lít; dầu hỏa tăng 271 đồng/lít lên 11.936 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 57 đồng/kg xuống còn 10.833 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng trong nước đã trải qua 14 kỳ điều hành, trong đó 7 lần giảm giá với tổng mức giảm khoảng 2.680 đồng/lít, còn lại là tăng giá hoặc giữ nguyên.
Trong nửa đầu 2017, giá xăng dầu có xu hướng tăng góp phần giúp các doanh nghiệp trong ngành đạt doanh thu, lợi nhuận tốt. Riêng Petrolimex, tổng doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm là 74.250 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2016 lên 49,95 USD/thùng, (giá bình quân 6 tháng đầu năm 2016 là 39,78 USD/thùng).
Qua đó, đưa tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của “ông lớn” xăng dầu đạt mức 2.443 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, hoàn thành 52,2% kế hoạch đặt ra cho cả năm.
Liên quan tới điều hành giá xăng dầu, mới đây, Bộ Tài chính vừa tiếp tục có dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường.
Tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường đều với mặt hàng xăng lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Hiện khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang là 1.000 - 4.000 đồng/lít.
Đề xuất tăng khung thuế lên 3.000 - 8.000 đồng/lít trước đó từng vấp phải phản ứng từ phía giới chuyên gia và người tiêu dùng.
Là một trong số cơ quan ủng hộ việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, nhưng mới đây nhất, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) có văn bản gửi Bộ Tài chính cho rằng, biểu khung thuế dự kiến trong tờ trình (mức trần 8.0000 đồng/lít) là quá cao.
VINPA đề nghị mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít; dầu diesel nâng từ 1.500 đồng/lít lên tối đa 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít lên 5.000 đồng/lít và dầu mazut từ 900 đồng/kg lên tối đa 3.000 đồng/kg.