Các hãng hàng không đều tăng tần suất bay ở nhiều chặng, nhưng vẫn cung không đủ cầu, giá vé cao ngất ngưởng.

Các hãng hàng không đều tăng tần suất bay ở nhiều chặng, nhưng vẫn cung không đủ cầu, giá vé cao ngất ngưởng.

Giá vé máy bay tăng phi mã, du lịch “méo mặt”

0:00 / 0:00
0:00
Giá vé máy bay tới các thành phố du lịch tăng phi mã từng ngày, khi mùa cao điểm du lịch 30/4, 1/5 và mùa hè cận kề do cung không đủ cầu khiến doanh nghiệp du lịch “méo mặt”.

Giá vé khứ hồi nội địa cao hơn tour trọn gói đi Thái Lan

Khảo sát nhiều trang bán vé của các hãng bay nội địa cho thấy, đường bay du lịch Hà Nội - Phú Quốc của Vietnam Airlines khởi hành ngày 28/4, về ngày 2/5 có giá dao động từ 8,5 - 9 triệu đồng/vé khứ hồi, số chỗ trống còn lại rất ít. Cũng đường bay này, vé khứ hồi của Bamboo Airways thấp nhất giá 7,7 triệu đồng; của Vietjet Air thấp nhất 6,7 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng ban Lữ hành, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội nhận định: “Mức giá này cao hơn cả tour trọn gói đi Thái Lan 5 ngày 4 đêm đang được nhiều hãng lữ hành chào bán”.

Trong khi đó, đường bay Hà Nội - Đà Nẵng của Vietnam Airlines có giá xấp xỉ 5 triệu đồng/vé khứ hồi; của Bamboo Airways thấp nhất là 5 triệu đồng/vé khứ hồi; Vietjet Air thấp nhất khoảng 4,1 triệu đồng/vé khứ hồi. Còn hành trình Hà Nội - Nha Trang, Vietnam Airlines có giá thấp nhất hơn 7,16 triệu đồng/vé khứ hồi; Bamboo Airways thấp nhất gần 6,5 triệu đồng; Vietjet Air thấp nhất khoảng 5,85 triệu đồng… gấp khoảng 3 lần so với ngày thường.

Hiện nay, giá vé máy bay chiếm từ 40% - 60% giá thành tour du lịch. Do đó, ngành du lịch và các hãng hàng không cần hợp tác chặt chẽ, sớm lên kế hoạch điều tiết trong các dịp cao điểm. Cần xây dựng một cơ quan, đơn vị có trách nhiệm như một nhạc trưởng định hướng các doanh nghiệp lữ hành, hàng không phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường. Nhạc trưởng không tham gia vào công việc của từng doanh nghiệp, nhưng định hướng cho các doanh nghiệp cùng lên, cùng xuống, cùng hòa ca để có một dàn đồng ca hay nhất.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch

Đại diện các doanh nghiệp hàng không cho biết, giá vé nội địa tháng 3, 4 năm nay cao hơn năm trước một phần do du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, thời điểm khách hàng lựa chọn đi du lịch đa dạng hơn, dẫn đến nhu cầu di chuyển tăng cao. Trong khi đó, số lượng máy bay đang niêm phong do Covid-19 chưa hoạt động lại khá lớn. Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, các chuyến bay gần như rỗng một chiều, thế nên càng tăng chuyến, chi phí càng lớn dẫn đến vé máy bay tăn cao.

Còn theo Cục Hàng không, chi phí nhiên liệu tại thời điểm tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay đã “cõng” theo giá vé máy bay.

Phú Quốc là thành phố du lịch bị ảnh hưởng lớn nhất do giá vé máy bay tăng cao. Mặc dù dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đã cận kề, nhưng lượng khách đặt phòng lưu trú tại Phú Quốc rất nhỏ giọt, trong khi mọi năm thời điểm này gần như kín chỗ.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng khách đến tham quan du lịch tại Phú Quốc, đặc biệt là khách nội địa giảm mạnh do chi phí vé máy bay tăng cao.

“Hoạt động du lịch Phú Quốc phụ thuộc 80% vào đường bay. Do đó, chi phí vé máy bay tăng cao là trở ngại lớn khiến du khách chuyển hướng không du lịch đến Phú Quốc”, ông Huy khẳng định và cho biết, nếu so sánh với các thị trường khác, kể cả du lịch nước ngoài, giá vé bay cao đang khiến Phú Quốc mất lợi thế cạnh tranh du lịch.

Cần có cơ quan điều tiết vận chuyển du lịch

Mặc dù dịp 30/4, 1/5, các hãng hàng không đều tăng tần suất bay ở nhiều chặng, nhưng vẫn cung không đủ cầu, giá vé cao ngất ngưởng.

“Điều này khiến các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ và vừa méo mặt vì các tour đường bay nội địa dịp 30/4, 1/5 gần như tê liệt do không đặt được vé hoặc vé quá cao so với mức chi trả của du khách”, ông Tài chia sẻ và cho biết, vé máy bay thường “cháy” hoặc tăng giá dịp cao điểm những ngày lễ, ngày nghỉ do cung không đủ cầu, khi đây là quãng thời gian duy nhất du khách có thể cùng cả gia đình đi du lịch.

Theo ông Tài, bay nội địa hiện chỉ có 4 hãng khai thác gồm Việt Nam Airlines, Vietjet, Bamboo và Vietravel Airline khai thác. Trong đó, Việt Nam Airlines, Vietjet gần như phủ được tất cả các đường còn Bamboo và Vietravel Airline chỉ có một số đường bay.

“Về bản chất, một quốc gia 100 triệu dân mà chỉ có 4 hãng hàng không với số tàu bay ít, các cảng hàng không quy mô nhỏ, thì rõ ràng năng lực vận chuyển thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân”, ông Tài phân tích.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không có xu hướng chỉ phân bổ lượng vé nhất định những ngày lễ, ngày nghỉ cho các đại lý lớn, mua theo series dài, số vốn khủng và đặt trước từ rất sớm. Doanh nghiệp lữ hành nhỏ không dám giữ chỗ nhiều, vì nếu không bán được sẽ thiệt hại rất lớn nên càng cận ngày càng khó đặt chỗ và giá vé tăng theo cấp số nhân, khiến không thể tổ chức tour. Nhưng điều đáng lo ngại hơn, theo ông Tài, là sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam suy giảm nghiêm trọng.

“Giá vé máy bay cao là một trong những nguyên nhân khiến du khách chuyển hướng du lịch ra bên ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… khi những điểm đến này có nhiều hãng hàng không cạnh tranh, nguồn cung lớn, giá thấp và chính sách visa thông thoáng. Vô hình trung, ngành du lịch Việt Nam thua ngay trên sân nhà khi đánh mất thị phần đáng lẽ sẽ thuộc về mình”, ông Tài phân tích.

Thực tế, lượng du khách đặt tour nước ngoài đang áp đảo tour trong nước. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc marketing Công ty TST Tourist cho biết, khoảng 2.000 khách đặt tour lễ 30/4 - 1/5 qua hãng lữ hành này thì tour nước ngoài chiếm tới 69%, tới các điểm đến Thái Lan, Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…

Ghi nhận tại Flamingo, VietSense Travel và nhiều hãng lữ hành, lượng khách đặt tour đi nước ngoài chiếm 60 - 80% tổng số khách đặt tour dịp 30/4, 1/5.

Để ngành kinh tế xanh phát triển bền vững, ổn định, ông Tài cho rằng, cần có cơ quan điều tiết vận chuyển du lịch, nhất là vào khung giờ vàng, giai đoạn cao điểm du lịch của mỗi điểm đến. Từ đó tăng, giảm chuyến bay phù hợp với lịch khởi hành của các chương trình du lịch. Bên cạnh đó, các hãng lữ hành bày tỏ mong muốn các hãng hàng không xem xét giảm lợi nhuận, cùng các nhà cung ứng dịch vụ tại điểm đến và lữ hành xây dựng các chương trình, tour du lịch giờ vàng, giá tốt nhất có thể.

Tin bài liên quan