Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giá vàng thăng hoa, phố Wall thoát hiểm

(ĐTCK) Việc Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ, cùng dữ liệu kinh tế không khả quan của các nền kinh tế đã khiến hoạt động bán tháo tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, với kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 giảm đi, đồng USD giảm mạnh, giúp vàng tiếp tục thăng hoa, phố Wall đã đảo chiều ngoạn mục, các thị trường chứng khoán còn lại thì không.

Động thái tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán toàn cầu, trong đó có phố Wall. Chứng khoán Mỹ giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch thứ Năm với các cổ phiếu của các tập đoàn lớn như Apple giảm mạnh.

Một số quan chức Fed và giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp cho thấy, nền kinh tế nước này yếu hơn mức dự tính của các nhà hoạch định chính sách và do đó, Bắc Kinh có thể sẽ phá giá đồng nhân dân tệ tới 10% để hỗ trợ xuất khẩu, nhằm duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế có quan hệ ngoại thương lớn với Trung Quốc và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ mới.

Trở lại với phố Wall trong phiên giao dich thứ Tư. Sau khi giảm mạnh đầu phiên do ảnh hưởng tiêu cực từ việc Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ thêm 1,6%, phố Wall đã bất ngờ hồi phục trở lại và kết thúc gần như bằng phẳng.

Phố Wall thoát hiểm trong phiên thứ Tư nhờ 2 lý do. Thứ nhất, việc Trung Quốc liên tiếp đồng nhân dân tệ khiến giới phân tích cho rằng, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 đã giảm xuống, chỉ còn khoảng 40%, dù số quỹ của Fed làm ăn có hiệu quả đã tăng lên 0,15%. Chính điều này khiến đồng USD giảm mạnh trở lại và do đó, nỗi lo thua thiệt với hàng hóa nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ đã bớt đi.

Thứ hai, trong bối cảnh hoảng loạn như hiện nay, nhóm cổ phiếu phòng thủ đã được tìm đến, trong đó đáng kể và được đánh giá cao là các cổ phiếu tài chính, cùng với đó là giá dầu hồi phục cũng giúp cổ phiếu năng lượng tăng trở lại, hỗ trợ thị trường chứng khoán đảo chiều thành công.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Dow Jones giảm 0,33 điểm (-0,00%), xuống 17.402,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,98 điểm (+0,10%), lên 2.086,05 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 7,6 điểm (+0,15%), lên 5.044,39 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, hoạt động bán tháo trên diện rộng tiếp tục diễn ra sau phiên tháo chạy trước đó. Nguyên do chính là việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ 1,6% trong ngày thứ Tư sau khi đã giảm 1,9% trong ngày thứ Ba.

Trung Quốc là khách hàng lớn thứ 2 của châu Âu sau Mỹ, do đó khi Bắc Kinh giá giá đồng nhân dân tệ tới 3,5% đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của châu Âu gặp khó khăn và nhóm cổ phiếu này bị bán tháo mạnh nhất.

Bên cạnh đó, châu Âu còn nhận các thông tin tiêu cực từ nội khối. Cụ thể, theo dữ liệu mới công bố, sản lượng công nghiệp trong khu vực đồng euro, gốm 19 thành viên giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 6, trong đó các nền kinh tế lớn nhất là Đức, Pháp và Ý giảm rõ rệt.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 93,35 điểm (-1,40%), xuống 6.571,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 369,04 điểm (-3,27%), xuống 10.924,61 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 173,60 điểm (-3,4%), xuống 4.925,43 điểm.

Trên thị trường châu Á, Trung Quốc tiếp tục cho giảm giá đồng nhân tệ ngày thứ 2 liên tiếp với mức giảm 1,6% trong ngày thứ Tư, sau khi phá giá 1,9% trong ngày thứ Ba. Động thái này của Bắc Kinh đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán trên toàn cầu và cả trong khu vực, khiến các thị trường đồng loạt giảm mạnh, ngay cả với thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế Nhật Bản vừa công bố kém khả quan càng khiến chứng khoán nước này giảm mạnh. Theo dữ liệu vừa công bố, đơn đặt hàng nhà máy của Nhật Bản sụt giảm trong tháng 6, tạo thêm lo ngại về sự sụt giảm GDP trong quý II.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 327,98 điểm (-1,58%), xuống 20.392,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 582,19 điểm (-2,38%), xuống 23.916,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 41,59 điểm (-1,06%), xuống 3.886,32 điểm.

Với kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 giảm xuống, đồng USD giảm mạnh 1,07% đã hỗ trợ tích cực cho giá vàng bay cao, lên mức cao nhất 3 tuần trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 12/8, giá vàng giao ngay tăng 16,8 USD (+1,52%), lên 1.125,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 15,9 USD (+1,44%), lên 1.123,6 USD/ounce.

Sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó, giá dầu đã ổn định trở lại trong phiên thứ Năm sau thông tin hỗ trợ tích cực từ Mỹ. Theo dữ liệu vừa công bố, kho dự trữ dầu của Mỹ đã hụt mất 1,7 triệu thùng trong tuần trước. Ngoài ra, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2015 sẽ là mạnh nhất trong 5 năm, mặc dù cơ quản này cũng cho biết, tình trạng thừa cung toàn cầu sẽ kéo dài đến năm 2016.

Sau các thông tin hỗ trợ trên, giá dầu đã hồi phục trở lại, nhưng mức tăng còn khiêm tốn khi giới đầu tư vẫn e ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, đất nước tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Kết thúc phiên 12/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,22 USD/thùng (+0,51%), lên 43,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,48 USD (+0,97%), lên 49,66 USD/thùng.

Tin bài liên quan