Giá vàng giao ngay đã tăng lên mức kỷ lục 2.685,42 USD/ounce vào ngày 26/9, tăng khoảng 29% trong năm nay, hướng đến mức tăng lớn nhất trong 14 năm khi được thúc đẩy bởi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Robin Kolvenbach, Giám đốc nhà máy tinh chế Argor-Heraeus SA có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết: "Nhu cầu vàng vật chất nói chung hiện đang ở mức cực thấp ở khắp mọi nơi…Nhu cầu đã tăng đột biến vào tháng 8 khi Ấn Độ cắt giảm thuế nhập khẩu, nhưng kể từ đó, nhu cầu hoàn toàn lắng xuống".
Là quốc gia tiêu thụ vàng thỏi lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ đã cắt giảm thuế nhập khẩu vàng vào tháng 7 để giải quyết nạn buôn lậu nhưng sau đó giá vàng trong nước lại tăng lên mức cao kỷ lục.
"Người tiêu dùng đang gặp khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng giá tăng cao. Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến nhu cầu đột nhiên chậm lại đáng kể", Prithviraj Kothari, Chủ tịch Hiệp hội Vàng thỏi và Trang sức Ấn Độ (IBJA) cho biết.
Tại châu Âu, Đức vẫn là thị trường đầu tư vàng vật chất lớn nhất, nhưng nhu cầu tại quốc gia này cũng như tại Áo đã bị ảnh hưởng mạnh kể từ năm 2020 do lãi suất cao thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang tài sản có lợi nhuận.
Đợt tăng giá vàng trong năm nay đã tác động thêm đến nhu cầu.
"Nhu cầu của các nhà giao dịch và ngân hàng đã giảm khoảng 50%, trong khi lượng nhập khẩu vàng thỏi và tiền xu mới đúc đã giảm tới gần 80%. Sự chênh lệch này được bù đắp bằng vật liệu thứ cấp đến từ hoạt động mua lại", Wolfgang Wrzesniok-Rossbach, nhà sáng lập công ty tư vấn kim loại quý Fragold GmbH cho biết.
Các nhà phân tích kỳ vọng rằng một loại nhu cầu quan trọng khác từ các quỹ ETF đầu tư vàng sẽ có nhiều hoạt động hơn trong những tháng tới nhưng hiện tại dòng tiền đổ vào ETF vẫn còn khá khiêm tốn.
"Trong khi nhu cầu ETF ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể mạnh, nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc hiện có vẻ đang yếu đi ", Hamad Hussain, nhà phân tích tại Capital Economics cho biết.
Giá vàng cũng đang ở mức kỷ lục tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này cũng đã không nhập khẩu bất kỳ loại vàng nào từ trung tâm trung chuyển lớn Thụy Sĩ vào tháng 8, lần đầu tiên sau hơn 3 năm.
Trong khi đó, tại các thị trường thương mại trực tuyến ở phương Tây, kể từ khi Fed cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9, một số khách hàng đã chọn chốt lời, tuy nhiên, lượng mua vào vẫn khá cao.
"Chúng tôi thấy người tiêu dùng thực sự mua với tỷ lệ cao hơn so với bán so với những tuần trước", Ken Lewis, Giám đốc điều hành tại công ty môi giới kim loại quý trực tuyến APMEX cho biết.
Đối với nhà bán lẻ trực tuyến Gold Avenue, các nhà đầu tư đã chuyển sang trở thành người mua ròng, với mức tăng 66% trong lượng mua kể từ khi Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
"Chúng tôi cũng thấy lượng khách hàng bán lại vàng tăng 13% kể từ ngày đó”, Nicolas Cracco, giám đốc điều hành Gold Avenue cho biết.
Cùng nhận định trên, theo Adrian Ash, giám đốc nghiên cứu tại trang bán lẻ trực tuyến BullionVault, khi giá của một sản phẩm tăng đến mức không thể chịu đựng được, người tiêu dùng sẽ giảm tiêu thụ hoặc ngừng mua hoàn toàn. Tuy nhiên, vàng vẫn tiếp tục thách thức logic đó, lập kỷ lục mới mặc dù nhu cầu hữu hình đã giảm ở hầu hết mọi phân khúc.