Vàng là tài sản sinh lời hàng đầu trong năm 2020. Ảnh: Dũng Minh

Vàng là tài sản sinh lời hàng đầu trong năm 2020. Ảnh: Dũng Minh

Giá vàng sẽ còn nóng trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ mức đỉnh mọi thời đại 2.087 USD/ounce thiết lập trong tháng 8/2020, giá vàng hiện đã giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce, nhưng điều đó không có nghĩa là vàng hết nóng…

Vì sao giá vàng giảm cuối năm 2020?

So với các tài sản đầu tư khác, vàng là một trong những tài sản sinh lời tốt nhất trong năm 2020. Giá vàng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.087 USD/ounce vào giữa tháng 8/2020 (tương đương tăng 24%), trước khi giảm trở lại về 1.878 USD/ounce vào đầu tháng 12/2020 (tương đương giảm 7-8%) - mức thấp nhất trong 3 tháng gần nhất. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy giới đầu tư vẫn rất quan tâm tới kim loại quý này. Các nhà đầu tư né tránh các tài sản rủi ro khác và có xu hướng tìm kiếm những tài sản trú ẩn an toàn như vàng khi kinh tế suy thoái.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị SJC Phú Thọ đưa ra nhận định, có nhiều yếu tố khiến giá vàng tăng kỷ lục trong năm 2020, trong đó yếu tố tác động nhiều nhất là tâm lý lo ngại về khả năng phục hồi của doanh nghiệp về mức trước đại dịch Covid-19 và sự hỗ trợ chưa từng thấy của các ngân hàng trung ương làm giảm giá trị đồng tiền, đặc biệt là USD.

Thực tế, vàng có tương quan nghịch với USD bởi được định giá và giao dịch bằng USD. Vì thế, khi USD yếu thì vàng khỏe và ngược lại. Từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số đo lường sức khỏe của “đồng bạc xanh” USD Index liên tục giảm (khoảng đã giảm 6,4%), đặc biệt kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kéo lãi suất cơ bản của USD về sát mức 0% để vực dậy nền kinh tế Mỹ trong suy thoái do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, cơ quan này cũng cho biết sẽ duy trì tỷ giá ở mức gần bằng 0 cho đến năm 2023.

Đáng chú ý, Fed không phải là ngân hàng trung ương duy nhất cắt giảm lãi suất. Lãi suất ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản, Anh, Canada, Úc… cũng đang ở mức thấp lịch sử. Cùng với đó, trước sự suy thoái của kinh tế do tác động bởi dịch bệnh, chính phủ các nước cũng liên tục đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế và điều này đã tác động tích cực lên vàng.

Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore, Indonesia - ông Huỳnh Trung Khánh nhìn nhận, hiện nay, nhà đầu tư không còn quá tập trung vào việc tìm kiếm “vịnh tránh bão” là vàng, một trong những minh chứng là dòng tiền đã chảy mạnh vào chứng khoán thời gian qua, trong khi vàng bị bán mạnh. Tuy vậy, dòng tiền bắt đáy cũng gần như ngay lập tức nhập cuộc mỗi khi vàng giảm mạnh cho thấy sự quan tâm tới vàng vẫn rất lớn.

Bởi vàng luôn được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh lạm phát cao và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Với lãi suất được neo ở mức gần bằng 0%, Fed cũng đã tuyên bố sẽ còn bơm tiền vào thị trường tài chính cho đến khi nền kinh tế Mỹ phục hồi hẳn, điều này có nghĩa giá trị USD sẽ còn xuống thấp và vàng còn cơ hội bứt phá.

Thực tế, trước sự suy giảm của vàng, các quỹ ETF toàn cầu liên tục mua vào trong những phiên giao dịch gần đây. Đơn cử, trong ngày 21/12/2020, SPDR Gold Shares - quỹ ETF kim loại lớn nhất thế giới, đã mua vào 65.658 ounces, tăng lượng vàng nắm giữ lên mức 37.612,174 ounces (tương đương 1.169 tấn). Tính đến ngày 22/12/2020, tổng khối lượng nắm giữ của các quỹ ETF toàn cầu ở mức 106.541,473 ounces (tương đương 3.313 tấn), cao hơn 29,06% so với mức thấp nhất trong năm 2020.

Giới phân tích tài chính cho rằng, đà giảm mạnh của vàng thời gian qua đã được khuếch đại bởi hành động chốt lời khi giá vàng tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.910 USD/ounce cùng với thanh khoản mỏng dịp cuối năm. Tuy nhiên, sức nóng của vàng được dự báo sẽ lan tỏa mạnh trong năm 2021.

Mốc 2.100 USD/ounce: Chỉ là thời gian

Nhìn nhận về diễn biến giá vàng trong năm 2021, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, kim loại quý này không khó để lặp lại mức kỷ lục 2.078 USD/ounce, thậm chí sẽ vượt mức 2.100 USD/ounce, khi kinh tế Mỹ vẫn trong suy thoái và cần thêm những gói hỗ trợ. Theo ông Khánh, với diễn biến hiện nay, nước Mỹ sẽ không chỉ chịu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh, mà còn có khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc hậu bầu cử.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải nhận định, vàng vẫn được xem là hầm trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trên thế giới trong thời gian tới trước bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc.

Theo các đánh giá đưa ra từ giới phân tích lĩnh vực vàng, khả năng mặt hàng kim loại quý này sẽ sớm chạm mốc 2.000 USD/ounce. Goldman Sachs Group nâng dự báo giá vàng lên ngưỡng 2.300 USD/ounce trong một, hai năm tới. Điều này đã thôi thúc giới đầu tư tiếp tục tìm đến hầm trú ẩn an toàn là vàng, đẩy mặt hàng này tăng giá.

Các nhà phân tích của Comberzbank thì cho rằng, vàng đã đi qua một chặng đường dài tăng giá suốt từ đầu năm 2020 đến nay, ngay cả khi giao dịch quanh mức 1.850 - 1.865 USD/ounce thì giá vàng vẫn tăng khoảng 21%. Với việc các chính phủ và ngân hàng trung ương dự kiến sẽ bơm thêm thanh khoản vào các thị trường tài chính, Commerzbank cho rằng, việc giá vàng tăng trở lại, thậm chí vượt mức cao nhất mọi thời đại như hồi tháng 8/2020 chỉ là vấn đề thời gian.

“Giá vàng trung bình năm 2020 ở mức 2.000 USD/ounce và khả năng sẽ tăng lên trên mức 2.100 USD/ounce vào quý IV/2021. Đến năm 2022, giá vàng sẽ còn cao hơn, trung bình năm ở mức 2.200 USD/ounce”, Commerzbank dự báo.

Trong đánh giá mới đây, Standard Chartered cho rằng, giá vàng sẽ trở lại mức đỉnh cao 2.087 USD/ounce trong vài tháng tới, bất chấp những trở ngại trong ngắn hạn. Theo ngân hàng này, trong tháng 11/2020, vàng đã bị bán quá mức khiến giá giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce. Đây cũng là tháng chứng kiến dòng tiền chảy mạnh ra khỏi các quỹ ETF vàng nhiều nhất trong 5 năm qua với giá trị bán ra tương đương khoảng 112 tấn vàng.

Nhà phân tích kim loại quý Suki Cooper của Standard Chartered cho rằng, giá vàng đang trụ vững trên ngưỡng kháng cự cho thấy kim loại quý này có khả năng quay lại mức 2.000 USD/ounce ngay trong quý I/2021.

Nhà phân tích cao cấp Jim Wyckoff của Kitco Metals cho biết, kế hoạch kích cầu tại nhiều nền kinh tế đã giúp ổn định thị trường vàng, bởi khi có nhiều tiền bơm vào hệ thống tài chính thì sẽ gây ra lạm phát và lạm phát càng cao thì những tài sản an toàn như vàng càng được chú ý.

Thực tế, giá vàng cho thấy sự hồi phục những ngày qua khi giới đầu tư vẫn lạc quan trước các biện pháp kích thích kinh tế. Tối ngày 27/12/2020 (theo giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành dự luật chi tiêu trị giá 2.300 tỷ USD, bao gồm gói trợ cấp Covid-19 trị giá 900 tỷ USD. Theo đó, giá vàng ngay lập tức tăng vượt mức 1.900 USD/ounce, trước khi điều chỉnh trở lại sau đó.

Thế nhưng, bất chấp mọi dự báo tích cực về giá vàng, cả người dân và nhà đầu tư trong nước đều không mấy mặn mà với kênh đầu tư này như trước đây. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do giá vàng trong nước không liên thông được với giá thế giới.

Lâu nay, giá vàng trong nước thường cao hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng so với giá giá vàng thế giới, thậm chí lên tới hơn 4-5 triệu đồng/lượng mỗi khi giá vàng biến động mạnh. Thêm vào đó, mức độ chênh lệch giá mua - bán được các nhà kinh doanh vàng kéo giãn quá xa, lên đến 4,7 triệu đồng/lượng khi ở thời điểm vàng lập đỉnh 2.078 USD/ounce. Giá vàng thế giới hiện ở dưới 1.900 USD/ounce, nhưng vàng SJC vẫn cao hơn gần 4 triệu đồng/lượng. Điều này khiến người mua vàng nhỏ, lẻ và kể cả các nhà đầu tư trong nước bị thua lỗ bởi mức chênh lệch lớn giữa mua và bán, cho dù mua được vàng ở vùng giá thấp.

Tin bài liên quan