Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Giá vàng nhảy vọt, nhiều “cá mập” tiếp tục đổ tiền vào vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa bao giờ thế giới trải qua giai đoạn khó lường như hiện tại, với việc đồng loạt các tài sản phòng thủ như vàng, trái phiếu hút dòng tiền. 

Vàng lập kỷ lục

Kể từ ngày 1/1/2020 tới ngày 22/7/2020, giá vàng trên thế giới đã tăng 22% lên mức giá 1.857,55 USD/ounce. Nếu so với giá thấp nhất trong tháng 3/2020 thì giá vàng đã tăng 25%, đây là mức giá cao chưa từng thấy trong 9 năm trở lại đây.

Giá vàng nhảy vọt, nhiều “cá mập” tiếp tục đổ tiền vào vàng ảnh 1

Giá vàng thế giới liên tục phá đỉnh.

Các tổ chức lớn như Bloomberg, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều có quan điểm tương đồng về khó khăn trong năm 2020 và dự báo nền kinh tế chỉ hồi phục từ năm 2021.

Cụ thể, Bloomberg dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 3,7% trong năm 2020, hồi phục trở lại 5% trong năm 2021 và tiếp tục tăng 3,3% trong năm 2022; WB dự báo tăng trường GDP toàn cầu năm 2020 là -5,2%, năm 2021 là +4,2%; IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 là -3%, năm 2021 là +5,8%...

Sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán - Trung Quốc và lan rộng ra toàn thế giới, đã có rất nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ và đảo lộn. Nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn khó lường hơn bao giờ hết.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở nhiều nơi, doanh nghiệp công bố phá sản liên tục, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu.

Với việc các quốc gia vẫn đang chạy đua thử nghiệm vắc-xin cũng như điều chế thuốc, nền kinh tế vẫn chưa biết thời điểm chính xác có thể khôi phục lại hoạt động kinh doanh bình thường.

Làn sóng doanh nghiệp phá sản và tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều chuỗi bán lẻ trên thế giới phá sản sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường cho các chuỗi cung ứng, đặc biệt các ngành thâm dụng lao động. Ngoài ra, thất nghiệp cao sẽ dẫn tới tỷ lệ chi tiêu thấp và ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế khó hồi phục hơn.

Chưa hết, căng thẳng Mỹ - Trung có dấu hiệu leo thang khi hai bên liên tục dùng những tác động truyền thông tới các quốc gia thứ 3 để nói xấu lẫn nhau.

Thế giới đang bước vào giai đoạn mà nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp thuế quan, hạn ngạch để cố gắng hỗ trợ xuất khẩu trong nước và hạn chế nhập khẩu. Như vậy, về lâu về dài sẽ tạo nên chi phí tăng cao hơn so với việc thúc đẩy thương mại tự do và chuyên môn hóa.

Tài sản an toàn tiếp tục hút dòng tiền

Nhiều chính phủ đã thực hiện việc bơm tiền trên diện rộng vào nền kinh tế với  hy vọng nền kinh tế vượt qua được khó khăn và sớm quay trở lại hoạt động như trước khi có dịch. Tuy nhiên, lượng tiền đã không chảy nhiều vào sản xuất - kinh doanh như mong đợi, thậm chí có sự dịch chuyển vào các tài sản tài chính như chứng khoán và gần đây là vàng.

Quan sát dòng tiền đầu tư cho thấy, các kênh đầu tư mang tính phòng thủ, giữ tài sản liên tục hút dòng tiền. Bên cạnh cổ phiếu, giá vàng liên tục phá đỉnh, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ duy trì ở mức thấp kéo dài từ tháng 3/2020 tới nay…

Giá vàng nhảy vọt, nhiều “cá mập” tiếp tục đổ tiền vào vàng ảnh 2

Tương quan giá trái phiếu Mỹ kỳ hạn 1, 2, 5 và 10 năm.

Chính triển vọng kinh tế khó lường và nỗi lo lạm phát đã đẩy giới đầu tư thực hiện các chiến lượng phòng thủ. Vàng chính là điểm đến an toàn trong tiềm thức người dân, cũng như giới đầu tư và ngân hàng trung ương nhiều quốc gia muốn tăng dự trữ vàng để giữ an toàn trước những bất ổn trong tương lai.

Trong báo cáo ngày 16/7/2020, Ngân hàng UBS, ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới hay còn gọi là “ngân hàng của những tỷ phú” có trụ sở tại Thụy Sỹ  cho biết, trong thời kỳ TTCK sụt giảm, một số khách hàng giàu nhất của ngân hàng đã vay vốn để đầu tư hàng tỷ USD vào TTCK.

Sau khi kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ từ đầu tư chứng khoán, các khách hàng giàu có này đang tìm kiếm kênh đầu tư khác cho dòng chảy của tiền.

UBS cho biết thêm: “Nhiều gia đình đã phân bổ thêm vào tiền mặt và vàng. Việc nắm giữ tiền mặt có vẻ là xu hướng tạm thời. 26% khách hàng của UBS cho thấy họ sẽ giảm dự trữ tiền mặt trong 2-3 năm tới, nhưng có đến 45% khách hàng cho biết họ sẽ gia tăng nắm giữ vàng”.

Như vậy có thể thấy, trên trường quốc tế, xu hướng nắm giữ vàng đang được nhiều nhà đầu tư “cá mập” quan tâm và là lựa chọn khi nền kinh tế vẫn chưa rõ thời điểm hồi phục.

Xu hướng giá vàng tăng thông thường chỉ kết thúc khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại sau khủng hoảng, điều này đã diễn ra vào những năm 2012 sau khi kinh tế dần hồi phục, giá vàng cũng bắt đầu giảm nhiệt.

Nếu lịch sử lặp lại thì sau giai đoạn khủng hoảng, nền kinh tế mất một khoảng thời gian đủ dài, từ 2-3 năm, để thanh lọc và lấy đà cho một chu kỳ mới. Chính vì vậy, xu hướng giá vàng sẽ khó có thể giảm trong khoảng thời gian sắp tới, thậm chí có thể tiếp tục đà tăng.

Tại Việt Nam, vàng được xem là một kênh giữ tài sản và mang tính phòng thủ trong tiềm thức người dân và thực tế, người dân biết đến kênh đầu tư nắm giữ vàng còn nhiều hơn các kênh tài chính như bất động sản, cổ phiếu hay trái phiếu chính phủ.

Trong bối cảnh nền kinh tế có lãi suất đang thấp, các kênh đầu tư khác như bất động sản có dấu hiệu bị rút dòng tiền, vàng tiếp tục là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Cơ hội sinh lời từ xu hướng giá vàng trên toàn cầu đang và sẽ tạo xu thế tương ứng ở Việt Nam.

Tin bài liên quan