Phiên đầu tuần (24/2) ghi nhận có thời điểm giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua, gần chạm 1.700 USD/ounce, nhưng nhanh chóng giảm về dưới 1.650 USD/ounce chỉ 2 ngày sau đó.
Cùng thời điểm, giá vàng trong nước cũng đạt đỉnh 8 năm khi tăng lên gần 50 triệu đồng/lượng trong ngày 24/2, trước khi lao về mức 46 triệu đồng/lượng vào ngày 26/2.
Với những nhà đầu tư “lướt sóng” vàng không chốt lời với kỳ vọng mặt hàng kim loại này sẽ còn duy trì đà tăng, việc thua lỗ là khó tránh.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho biết, nhiều nhận định đưa ra, giá vàng sẽ tăng lên khoảng 1.700 USD/ounce và thực tế đã diễn ra như dự báo.
Tuy nhiên, việc giá vàng đột ngột giảm mạnh ngay sau đó lại nằm ngoài dự đoán, đó chính là rủi ro.
“Giá vàng trong nước tăng mạnh một phần do tâm lý của khách hàng theo đám đông khi đổ xô mua vàng ở thời điểm giá cao, trong khi giá vàng trong nước hiện chưa liên thông với giá thế giới.
Mặt khác, giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới từ 1-1,5 triệu đồng/lượng, nên khi giá giảm, người mua hôm trước thì hôm sau đã lỗ”, ông Khánh phân tích.
Lâu nay, hoạt động xuất nhập khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ theo chủ trương đưa ra. Vì thế, diễn biến của giá vàng trong nước cũng lỗi nhịp, khó bắt kịp đà tăng - giảm mỗi khi vàng thế giới biến động, khiến rủi ro đối với nhà đầu tư tăng cao hơn.
Giới phân tích lĩnh vực vàng đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến của giá vàng quốc tế, cũng như nắm bắt được các diễn biến địa chính trị trên thế giới - yếu tố thường tác động mạnh tới giá vàng… thì mới có thể tìm kiếm được lợi nhuận trên thị trường đầy biến động như thị trường vàng.
“Tâm lý của nhà đầu tư trong nước lâu nay vẫn theo xu hướng giá vàng lên là đổ xô mua vào và sau đó lo ngại giá vàng giảm thì ồ ạt bán ra nên khó tránh bị thua lỗ.
Theo tôi, khi đầu tư vào vàng, nhà đầu tư cần có chiến lược dài hạn để thu về lợi nhuận ổn định. Việc lướt sóng có thể kiếm lời nhanh, nhưng rủi ro cũng rất lớn”, ông Khánh nói.
Thực tế, so với cách đây 1 năm, giá vàng trong nước đã tăng bình quân khoảng 20%, còn tính từ đầu năm 2020 đến nay, mức tăng vào khoảng 9%.
Dự báo giá vàng trong thời gian tới, ông Khánh cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến hết tháng 3/2020 thì giá vàng khả năng sẽ tăng tiếp.
“Nếu bình quân giá vàng thế giới tăng khoảng 40 USD/ounce mỗi ngày thì khả năng vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce không còn xa, thậm chí có thể chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce vào cuối năm. Trong lịch sử, giá vàng đã từng tăng lên 1.800 USD/ounce trong năm 2011”, ông Khánh tính toán.
Ở Việt Nam, việc mua vàng chủ yếu là vàng vật chất, thay vì vàng tài khoản như trên thế giới, nên việc cất giữ, bảo quản là yếu tố vô cùng quan trọng.
Trước đây, người dân được gửi tiết kiệm bằng vàng tại ngân hàng nên ngoài sự an toàn, người gửi còn hưởng được lãi suất.
Nhưng hiện nay, nếu gửi vàng người dân sẽ phải mất phí, trong khi cất giữ tại nhà thì đối diện với rủi ro hao hụt, trộm cướp...
Vì thế, ý tưởng huy động vàng trong dân được đưa ra cách đây 4-5 năm. Đầu năm 2017, tại Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, Chính phủ nêu định hướng yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và đưa vào sử dụng, sản xuất - kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân.
Trước đó, vấn đề này đã được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đưa ra khi cho biết, số lượng vàng được người dân lưu giữ có thể lên tới 500 tấn.
Cả hướng đề xuất cũng như số lượng vàng đều gây tranh cãi khi đó và đến nay chưa có biến chuyển.
Hiện nay, Chính phủ và NHNN kiên định với chủ trương kiểm soát thị trường vàng như đã đặt ra.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, biến động giá vàng trong nước gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý.
NHNN luôn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, ngay cả khi không ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Nếu có dấu hiệu gây bất ổn, NHNN sẽ có động thái can thiệp.