Tại thị trường trong nước, giá vàng được điều chỉnh giảm theo xu hướng chung trên thị trường quốc tế.
Vàng SJC lúc đầu ngày mua vào - bán ra ở 33,53 - 33,75 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng mỗi chiều so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh giảm 10.000 đồng/lượng chiều mua vào và 20.000 đồng/lượng chiều bán ra, giao dịch ở 33,52 - 33,73 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc đầu ngày mua vào - bán ra ở 31,12 - 31,57 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với ngày hôm qua. Mức giá này được giữ nguyên cho tới cuối ngày.
Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 22.280 - 22.360 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng mỗi chiều so với ngày hôm qua.
Trên thị trường tự do, USD hiện giao dịch ở 22.320 - 22.340 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng chiều mua vào và 5 đồng chiều bán ra so với ngày hôm qua.
Trong phiên Á hôm nay, mặc dù giá vàng đã nỗ lực đi lên lúc đầu phiên nhờ tin kinh tế xấu được công bố, tuy nhiên vẫn chấp nhận quay đầu giảm giá về cuối phiên.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.133,40 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá vàng nhích dần lên mức đỉnh 1.137,70 USD/ounce, tăng 4,3 USD/ounce so với giá mở cửa. Về cuối phiên, giá vàng quay đầu lao dốc, đóng cửa ở mức đáy 1.133,30 USD/ounce, tương đương giá mở cửa.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.137,80 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá liên tục giảm, chạm đáy ở 1.132,90 USD/ounce, giảm 4,9 USD/ounce so với mở cửa, đồng thời là mức thấp nhất trong 4 tuần qua. Về cuối phiên, giá vàng hồi phục nhẹ và đóng cửa ở 1.133,40 USD/ounce, giảm 8,3 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.
Giá vàng giao sau tháng 12 trên sàn Comex giảm 5,5 USD/ounce, đóng cửa ở 1.135,90 USD/ounce.
Mặc dù có một số tin kinh tế tiêu cực được công bố, vốn là trợ lực tích cực cho giá vàng, tuy nhiên, kim loại quý này vẫn không thể thoát khỏi xu hướng lao dốc, trước áp lực mà Fed tạo ra. Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 10 đứng ở mức 48,3 điểm, so với 47,2 điểm trong tháng 9. Mặc dù có tăng nhẹ nhưng con số dưới 50 vẫn thể hiện tình trạng sản xuất suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Trung Quốc là nhà nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, do đó, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại tác động tới giá của hầu hết các loại nguyên liệu thô, trong đó có vàng.
Bên cạnh đó, chỉ số PMI tháng 10 của Mỹ đứng ở mức 50,1 điểm, so với 50,2 trong tháng 9. Đây là mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.