Tại thị trường nội địa, giá vàng được tuy có điều chỉnh nhưng biên độ không lớn.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc đầu ngày mua vào – bán ra ở 34,96 – 35,41 triệu đồng/lượng, giảm 70.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với ngày hôm qua. Mức giá này được giữ nguyên cho tới cuối ngày.
Vàng SJC lúc đầu ngày mua vào – bán ra ở 34,88 – 35,20 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh tăng trở lại 20.000 đồng/lượng mỗi chiều, giao dịch ở 34,90 – 35,22 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 22.270 – 22.340 (mua vào – bán ra), giảm nhẹ 5 đồng mỗi chiều so với ngày hôm qua.
Trên thị trường tự do, USD hiện giao dịch ở 22.300 – 22.320 VND/USD (mua vào – bán ra), giảm 10 đồng mỗi chiều so với ngày hôm qua.
Trong phiên giao dịch tại thị trường châu Á hôm nay, giá ít có biến động mạnh.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.318,30 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá vàng giảm nhẹ và chủ yếu đi ngang quanh mức giá mới, đóng cửa ở 1.315,50 USD/ounce so với giá mở cửa.
Trên sàn New York, giá vàng mở cửa ở 1.318,20 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá vàng nhanh chóng theo đà tăng, đạt đỉnh ở 1.325,80 USD/ounce, tăng 7,6 USD/ounce so với giá mở cửa. Về cuối phiên, giá vàng quay đầu giảm, đóng cửa ở 1.318,30 USD/ounce, tuy nhiên vẫn tăng 6,8 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.
Giá vàng giao sau tháng 8 trên sàn Comex tăng 9,1 USD/ounce, đóng cửa ở 1.326,90 USD/ounce.
Động lực chính hỗ trợ cho giá vàng vẫn là tâm lý lo ngại – hệ quả từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đồng USD yếu hơn. Theo các chuyên gia, 2 phiên giao dịch đầu tuần là quãng thời gian giới đầu tư trên toàn cầu đã phản ứng thái quá trước tác động của Brexit. Hiện tại, tâm lý thị trường đã bớt hoảng loạn, giúp các thị trường tài chính toàn cầu dần giao dịch ổn định.