Tại thị trường nội địa, giá vàng được điều chỉnh tăng nhẹ theo diễn biến của thị trường quốc tế.
Vàng SJC lúc đầu ngày mua vào – bán ra ở 36,40 – 36,65 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Về cuối ngày, giá tăng thêm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, mua vào – bán ra ở 36,45 – 36,70 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc đầu ngày mua vào – bán ra ở 36,01 – 36,46 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối tuần trước. Về cuối ngày, giá tăng 60.000 đồng/lượng mỗi chiều, giao dịch ở 36,07 – 36,52 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 22.260 – 22.330 VND/USD (mua vào – bán ra), không đổi so với cuối tuần trước.
Trên thị trường tự do, USD hiện giao dịch ở 22.290 – 22.305 VND/USD (mua vào – bán ra), không đổi so với cuối tuần trước.
Trong phiên giao dịch tại thị trường châu Á hôm nay, giá vàng có nhiều biến động nhưng biên độ không lớn.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.335,70 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá vàng nhích nhẹ trên ngưỡng này và đóng cửa ở 1.338 USD/ounce, tăng 2,3 USD/ounce so với giá mở cửa.
Trong tuần này, các thị trường tài chính sẽ trông đợi thông tin từ biên bản cuộc họp tháng 7/2016 của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, giá vàng có thể nhận được trợ lực nếu biên bản này cho thấy, các quan chức Fed có sự chần chừ trong việc nâng lãi suất từ nay tới cuối năm.
Colin Cieynski, chiến lược gia trưởng tại CMC Markets cho rằng, giá vàng cần phá vỡ được ngưỡng 1.375 USD/ounce để bước vào xu hướng tăng mới. Đề làm được điều này, giá vàng cần nhận được sự hỗ trợ từ các tin kinh tế Mỹ kém tích cực, ảnh hưởng tới quyết định tăng lãi suất của Fed.