
Với căng thẳng đang gia tăng giữa các quốc gia về thuế quan của Mỹ, thương mại toàn cầu và xung đột ở Ukraine và Trung Đông, các cường quốc có thể sẽ không nhanh chóng hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề thúc đẩy sự quan tâm đến vàng thỏi như một nơi trú ẩn an toàn.
Theo nhà phân tích James Steel của HSBC, đợt tăng giá của vàng lên trên 3.000 USD/ounce vừa qua là do đợt áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump đối với các đối tác thương mại, là lần đầu tiên sau một thời gian dài mà địa chính trị và bất ổn kinh tế trở thành những yếu tố hàng đầu tác động đến thị trường vàng.
Vàng giao ngay đã đạt mức kỷ lục 3.167,57 USD/ounce vào tuần trước và tăng 16% kể từ đầu năm nay, sau khi đã tăng 27% vào năm ngoái. Mặc dù quỹ đạo của thị trường sẽ không tuyến tính, các nhà phân tích cho biết, việc vàng tiến vào vùng giá cao mới có thể bền vững hơn so với 45 năm trước.
Vì vàng có mối tương quan ngược chiều với dòng chảy thương mại, do đó lập trường về thuế quan của Tổng thống Trump đã thúc đẩy các nhà đầu tư mới vào vàng, trước nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.
Đồng đô la thường được biết đến là một tài sản trú ẩn an toàn, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy vị thế của đồng đô la đang bị xói mòn khi sự không chắc chắn về thuế quan gia tăng.
Hơn nữa, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã đảo lộn trật tự thế giới, báo hiệu rằng Mỹ có thể không còn đóng vai trò là người đảm bảo an ninh cho châu Âu như đã làm kể từ Thế chiến II và thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông cũng đề cập đến khả năng Mỹ sáp nhập Greenland.
Các vấn đề thúc đẩy giá vàng 45 năm trước - đáng chú ý nhất là Cách mạng Iran và cuộc khủng hoảng dầu mỏ - đã được khắc phục tương đối nhanh chóng, khiến giá vàng sụt giảm.
"Nhưng sự đổ vỡ trong hợp tác quốc tế trong vài năm qua đã khiến giá vàng luôn ở mức cao… Điều đó khiến người ta nghĩ rằng... đang có vấn đề căng thẳng địa chính trị lớn hơn trên thị trường", nhà phân tích James Steel cho biết.