Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 200.000 đồng/trong phiên hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 9/4 tại Hà Nội tiếp tục tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết lần lượt ở mức 68,65 – 69,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 68,65 – 69,45 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 260.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 55,24 – 55,94 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 15,5 USD/ounce lên 1.946,7 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 6/2022 trên sàn Comex New York tăng 7,8 USD xuống 1.945,6 USD/ounce.
Tâm lý thị trường vàng lạc quan khi kim loại quý tiếp tục củng cố khi lợi suất trái phiếu tăng khi Cục Dự trữ Liên bang sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.
Kết quả mới nhất của Cuộc khảo sát vàng hàng tuần của Kitco News cho thấy, không có nhà phân tích Phố Wall nào cho rằng vàng sẽ giảm giá trong thời gian tới, với phần lớn kỳ vọng sẽ thấy giá cao hơn vào tuần tới. Đồng thời, các nhà đầu tư bán lẻ vẫn lạc quan về kim loại quý này.
Nhiều nhà phân tích đã ghi nhận khả năng phục hồi của vàng khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm. Trái phiếu đã bị bán tháo khi Cục Dự trữ Liên bang vào tháng 3 đề xuất rằng, các thành viên ủy ban có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào hai cuộc họp tiếp theo. Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cũng dự kiến, sẽ bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán sau cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng Năm.
Với mức giá khoảng 1.945,6 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 54,6 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 14,87 triệu đồng/lượng.