Tại thị trường vàng trong nước, sau khi đi ngang trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 6/8 tại Hà Nội giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và giảm 800.000 đồng/lượng ở chiều bán, hiện niêm yết lần lượt ở mức 77,0 – 79,0 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm nhẹ 40.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 76,32 – 77,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm mạnh 32,6 USD xuống 2.409,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều tăng nhẹ 2,1 USD lên 2.412 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 8/2024 trên sàn Comex New York giảm 24 USD, tương ứng giảm 0,99% xuống mức 2.401,7 USD/ounce.
Vàng giảm mạnh và chạm mức thấp nhất trong 2 tuần qua khi một số dữ liệu kinh tế bi quan gần đây của Hoa Kỳ đã gây ra lo ngại về suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ và toàn cầu, đồng thời khiến thị trường thế giới ở thế ngành cân treo sợi tóc.
Có một câu nói cũ trên thị trường rằng trong thời kỳ hoảng loạn, nếu bạn không thể bán những gì bạn muốn, bạn hãy bán những gì bạn có thể. Điều đó có vẻ đúng với vàng và bạc ngày nay, và một phần lý do khiến kim loại trú ẩn an toàn không tăng giá trong thời kỳ bất ổn gia tăng.
Bên cạnh đó, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán toàn cầu đã khiến thị trường chung hoảng sợ khi bắt đầu tuần giao dịch. Việc hủy bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên Nhật đã khiến phần lớn thị trường ở chế độ thanh lý, bao gồm cả kim loại. Đây là yếu tố bi quan về kim loại hiện tại và chủ yếu thay thế nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng và bạc.
Tuy nhiên, nếu tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục, thì tâm lý đó có thể nhanh chóng chuyển thành nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh mẽ đối với hai kim loại quý này trong bối cảnh thị trường đang rất lo lắng.
Thêm vào đó, những lo ngại về một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn cũng đang đè nặng lên tâm lý của các nhà giao dịch và nhà đầu tư hiện nay. Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn từ Iran sau khi Israel ám sát các quan chức quân sự chủ chốt của Hamas và Hezbollah vào tuần trước.
Như vậy, dù giá vàng vừa trải qua một đợt điều chỉnh mạnh bởi đà bán tháo trên diện rộng, nhưng triển vọng tăng giá dài hạn của kim loại quý này vẫn còn nguyên vẹn bởi các yếu tố như hoạt động mua vào liên tục của ngân hàng trung ương, nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư và căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Với mức giá khoảng 2.412 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 74,35 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 4,65 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 102,78 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 6/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.240 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.028 – 25.452 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 24.920 – 25.290 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.600 đồng/USD và bán ra là 25.700 đồng/USD.