Giá vàng hôm nay ngày 5/4: SJC "lặng im" nhìn vàng thế giới "bốc đầu" vượt mốc 2.000 USD/ounce

Giá vàng hôm nay ngày 5/4: SJC "lặng im" nhìn vàng thế giới "bốc đầu" vượt mốc 2.000 USD/ounce

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi vàng thế giới "bốc đầu" tăng vượt mốc 2.000 USD/ounce lên mức cao nhất trong 12 tháng trước một số dữ liệu kinh tế yếu kém của Hoa Kỳ, giá vàng SJC chỉ lình xình tăng nhẹ.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi rung lắc và không có sự biến động trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 5/4 tăng 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,6– 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,6 – 67,2 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 530.000 đồng/lượng so với hôm qua, hiện đứng ở mức 55,66 – 56,61 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng vọt 35,4 USD lên 2.019,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng lên mức 2.023,6 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York tăng 37,8 USD, tương ứng tăng 1,89% lên 2.038,2 USD/ounce.

Một số dữ liệu kinh tế yếu kém của Hoa Kỳ đã gây áp lực lên chỉ số USD và khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, điều này đã thúc đẩy giá vàng và kim loại quý này đã bật tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 12 tháng.

Cụ thể, Bộ Lao động báo cáo cơ hội việc làm đã giảm trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm - một dấu hiệu cho thấy nhu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động đã giảm bớt. Trong khi đó, đơn đặt hàng nhà máy của Hoa Kỳ trong tháng 3 đã giảm 0,7%.

Dữ liệu kinh tế rơi vào phe bồ câu của chính sách tiền tệ Hoa Kỳ, những người muốn thấy lãi suất thấp hơn từ Cục Dự trữ Liên bang, hoặc ít nhất là tạm dừng chuỗi tăng lãi suất gần đây. Điều đó đã gây áp lực lên chỉ số đô la Mỹ và làm giảm lợi tức của Kho bạc Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, một tin tức mới là ngân hàng trung ương Úc giữ nguyên chính sách tiền tệ sau cuộc họp thường kỳ. Ngân hàng cho biết, việc tạm dừng thắt chặt sẽ cho họ thời gian để đánh giá triển vọng trong bối cảnh không chắc chắn, nhưng có thể cần phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất tháng 2 của Eurozone được báo cáo tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường.

Theo các nhà phân tích, tất cả những điều này chứng tỏ rằng nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, làm tăng khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết, vàng hiện đang tìm cách đạt mức cao kỷ lục và có thể cần thêm bằng chứng về nền kinh tế đang chậm lại trước khi điều đó xảy ra.

Ông nói: “Vàng đang hướng tới mức cao kỷ lục và không thể mất nhiều thời gian để đạt được mức định mức đó. Nếu kỳ vọng suy thoái kinh tế tiếp tục gia tăng vào nửa cuối năm, vàng sẽ có lộ trình tiến tới mức định mức 2.100 USD”.

Với mức giá khoảng 2.023,6 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 58,33 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 8,89 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 101,52 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 5/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.602 đồng/USD, không biến động so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.422 – 24.782 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.450 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.780 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.270 – 23.800 đồng/USD.

Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.380 đồng/USD và bán ra là 23.480 đồng/USD.

Tin bài liên quan