Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 5/3 tiếp tục tăng 300.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 78,7 – 80,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 78,7 – 80,7 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 67,38 – 68,58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng mạnh 31,6 USD lên 2.114,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhẹ 2,1 USD xuống 2.112,2 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 trên sàn Comex New York tăng 30,6 USD, tương ứng tăng 1,46% xuống mức 2.126,3 USD/ounce.
Vàng chứng kiến phiên tăng giá mạnh vào thứ Sáu ngày 1/3 đã thay đổi mạnh mẽ tâm lý trên thị trường và thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng giá. Không nằm ngoài dự báo này, kim loại quý đã chứng kiến hoạt động mua tiếp theo vững chắc và vượt mốc 2.100 USD/ounce.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Jess Felder, người sáng lập Felder Report, cho biết ông đang tìm kiếm vàng để bứt phá tăng giá vì hành động giá đã tạo ra một số mô hình kỹ thuật rất lạc quan.
“Vàng đang hình thành các mô hình cờ tăng giá nhất quán. Giá tăng đột biến, củng cố trong một khoảng thời gian và sau đó chúng ta thấy một mức giá khác tăng cao hơn”, ông nói và cho rằng: “Từ quan điểm thuần túy kỹ thuật, có vẻ như mục tiêu dự kiến của vàng sẽ tăng thêm vài trăm USD trong ngắn hạn. Về lâu dài, chúng tôi đang xem xét mức 2.700 - 2.800 USD, có lẽ trong một hoặc hai năm tới. Về mặt kỹ thuật, vàng trông rất rất tốt”.
Cùng với triển vọng kỹ thuật của vàng, Felder nói rằng kim loại quý này có triển vọng cơ bản mạnh mẽ vì ông không kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ có thể đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%.
Hiện tại, thị trường nhận thấy 60% cơ hội cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Theo Sean Lusk, Đồng Giám đốc Phòng ngừa rủi ro Thương mại tại Walsh Trading, động lực mới này có tiềm năng đẩy giá vàng lên 2.175 USD/ounce. Ông lưu ý rằng mặc dù các nhà đầu tư không nên cố gắng đuổi theo thị trường nhưng cũng khó có thể bỏ qua động lực.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích thị trường vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục rằng vàng có thể vượt qua mức 2.152,3 USD/ounce do một phân khúc quan trọng của nhu cầu đầu tư tiếp tục mờ nhạt.
Với mức giá khoảng 2.112,2 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 63,98 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 16,74 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 103,85 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 5/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.012 đồng/USD, tăng 8 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.811 – 25.213 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.162 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 24.480 – 24.850 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.540 đồng/USD và bán ra là 25.670 đồng/USD.