Tại thị trường vàng trong nước, sau khi đi ngang trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 26/7 vẫn chưa có thêm biến động nào, hiện niêm yết lần lượt ở mức 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 75,58 – 76,88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 33,1 USD xuống 2.364,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều tăng 14,5 USD lên 2.378,8 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 8/2024 trên sàn Comex New York giảm mạnh 34,1 USD, tương ứng giảm 1,42% xuống mức 2.363,4 USD/ounce.
Vàng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tuần do lo ngại về nhu cầu kim loại quý toàn cầu giảm.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa bất ngờ cắt giảm 0,2% lãi suất cho vay một năm xuống còn 2,30%, vài ngày sau khi cắt giảm một lãi suất ngắn hạn quan trọng khác. Điều đó đang gây áp lực lên tâm lý thị trường, bao gồm cả kim loại, từ góc độ nhu cầu suy yếu.
Bên cạnh đó, Bản báo cáo GDP quý II của Hoa Kỳ vừa công bố cho thấy mức tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, tốt hơn mức tăng 2,1% trong dự báo đồng thuận. Báo cáo mạnh mẽ hơn này có thể loại bỏ những lời bàn tán trên thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể cắt giảm lãi suất của Hoa Kỳ tại cuộc họp FOMC vào tuần tới, đồng thời tạo thêm một chút áp lực bán lên thị trường vàng và bạc.
Các nhà giao dịch hiện đang chờ báo cáo thu nhập và chi tiêu cá nhân của Hoa Kỳ vào thứ Sáu, bao gồm các chỉ số lạm phát.
Các nhà kinh tế dự đoán PCE cốt lõi hàng tháng sẽ tăng nhẹ, tăng lên 0,10% từ mức 0,08% của tháng 5. Tuy nhiên, trên cơ sở hàng năm, PCE cốt lõi dự kiến sẽ cho thấy mức giảm nhẹ về lạm phát, từ 2,6% trong tháng 5 xuống 2,5% trong tháng 6. Mô hình dự báo ngắn hạn của Cục Dự trữ Liên bang Cleveland cho thấy con số thậm chí còn thấp hơn là 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu báo cáo PCE cho thấy lạm phát cơ bản tiếp tục giảm, điều này sẽ tạo động lực đẩy giá vàng lên cao hơn.
Cũng có dự báo tích cực, các nhà phân tích hàng hóa tại Sucden Financial cho biết, dù thị trường vàng đang gặp phải ngưỡng kháng cự ở mức 2.400 USD/ounce, nhưng họ kỳ vọng giá kim loại quý này sẽ tăng lên trên 2.500 USD/ounce vào cuối quý III.
"Với nhu cầu vật chất phục hồi và hoạt động mua lại mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, cùng với việc lạm phát giảm và biến động thị trường gia tăng, triển vọng của vàng vẫn tích cực", các nhà phân tích cho biết trong triển vọng hàng quý của họ.
Với mức giá khoảng 2.378,8 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 73,83 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 5,67 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 104,36 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 26/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.249 đồng/USD, giảm 16 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.037 – 25.461 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.091 – 25.461 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.660 đồng/USD và bán ra là 25.740 đồng/USD.