Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 2 triệu đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 22/10 tiếp tục tăng 1 triệu đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 87,0 – 89,0 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 1,4 triệu đồng/lượng so với sáng ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 86,08 – 87,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 2,2 USD xuống 2.719,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều tăng 8,7 USD lên 2.728,4 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York tăng 8,9 USD, tương ứng tăng 0,33% lên mức 2.738,9 USD/ounce.
Vàng tiếp tục duy trì xu hướng tăng khi nhu cầu trú ẩn an toàn, lo ngại về phi đô la hóa và các yếu tố kỹ thuật tăng giá tiếp tục đẩy kim loại quý lên cao hơn.
Các đợt tăng giá vàng và bạc gần đây diễn ra khi Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRIC vào thứ Ba, có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức của các quốc gia đang phát triển khác.
Tổng thống Nga Putin muốn có một hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu mới để chống lại sự thống trị của đô la Mỹ đối với dự trữ ngoại hối toàn cầu. Khoảng 58% tiền tệ dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương hiện đang ở dạng tài sản được định giá bằng đô la. Vàng sẽ được hưởng lợi từ việc phi đô la hóa nhiều hơn của BRICS và các quốc gia khác.
Trong một tin tức khác qua đêm, Trung Quốc đã công bố mức cắt giảm lớn hơn một chút so với dự kiến đối với cả lãi suất cho vay ưu đãi một năm và năm năm. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc đã không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường khi nói đến kích thích tài chính.
Nhận định về vàng, giới phân tích cho rằng, đối với các nhà đầu tư dài hạn, việc nắm giữ vẫn có thể là một chiến lược tốt. Với việc Fed cắt giảm lãi suất và căng thẳng địa chính trị hiện tại, vàng có tiềm năng tăng giá lên tới trên 3.000 USD/ounce.
Bên cạnh đó, những người tham gia kỳ vọng giá kim loại quý sẽ tăng trưởng đáng kể tại hội nghị thường niên của LBMA, với vàng có thể đạt 2.941 USD/ounce, bạc là 45 USD/ounce và bạch kim là 1.148 USD/ounce. Đây là triển vọng khá lạc quan, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là việc đạt được các mục tiêu này phụ thuộc vào các sự kiện diễn ra theo kế hoạch, đặc biệt là liên quan đến chính sách của Cục Dự trữ Liên bang.
Với mức giá khoảng 2.728,4 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 84,62 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 4,38 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 103,97 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 22/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.240 đồng/USD, tăng 27 đồng so với phiên hôm qua qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.028 – 25.452 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.402 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.062 – 25.452 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.460 đồng/USD và bán ra là 25.560 đồng/USD.