Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 300.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 18/2 tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết lần lượt ở mức 88,3 – 90,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 89,4 – 90,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 16 USD, tương ứng tăng 0,56% xuống mức 2.882,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng 4,8 USD lên 2.903,3 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 4/2025 trên sàn Comex New York đứng nguyên tại mức 2.900,7 USD/ounce khi thị trường nghỉ lễ.
Vàng đã nhanh chóng hồi phục trong tuần mới sau phiên lao dốc mạnh vào thứ Sáu vừa qua. Thị trường Hoa Kỳ đã đóng cửa vào thứ Hai để kỷ niệm Ngày Tổng thống.
Theo các nhà phân tích kim loại quý tại Heraeus, sự bất ổn về thuế quan thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu trú ẩn an toàn với giá vàng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong báo cáo mới nhất về vàng, Tim Hayes, Chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Ned Davis Research, cho biết sự suy yếu ngày càng tăng của đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu giảm là điềm báo tốt cho vàng trong thời gian tới.
Hayes lưu ý rằng tâm lý nhà đầu tư đang được cải thiện vì vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn hấp dẫn và là hàng rào phòng ngừa bất ổn kinh tế và địa chính trị.
“Nếu một cuộc chiến thương mại leo thang dẫn đến lạm phát gia tăng, vàng sẽ bị đe dọa bởi khả năng tăng lợi suất trái phiếu và giảm khả năng nới lỏng của ngân hàng trung ương. Nếu không, vàng sẽ được hưởng lợi không chỉ từ việc đồng đô la mất giá mà còn từ sự tiếp tục tăng trưởng nguồn cung tiền thực của Hoa Kỳ và sự tăng trưởng của chi tiêu tài chính trừ đi thu nhập, tất cả các thành phần của Chỉ số chính sách tiền tệ thực, tài chính và tỷ giá hối đoái của Hoa Kỳ”, ông Hayes nói.
Thông tin thị trường chú ý nhất trong ngày 18/2 là bài phát biểu của Tổng thống Trump có thể gây ra sự hỗn loạn trên thị trường. Mặc dù bài phát biểu được coi là "thử nghiệm", nhưng thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ mọi tuyên bố về chiến lược kinh tế, kích thích tài khóa, quan hệ thương mại hoặc chuẩn bị thuế quan của Hoa Kỳ.
Nếu Tổng thống Trump ủng hộ lãi suất thấp hoặc trì hoãn thuế quan, đồng tiền có thể giảm giá. Đồng tiền suy yếu khiến vàng trở thành kho lưu trữ của cải hấp dẫn hơn, có khả năng làm tăng giá vàng.
Tuy nhiên, nếu bài phát biểu của ông Trump làm dấy lên lo ngại về các kế hoạch kinh tế có thể củng cố đồng tiền hoặc thắt chặt các điều kiện tiền tệ. Chính sách thuế quan chặt chẽ hơn có thể làm tăng sự biến động của thị trường và nhu cầu về đồng đô la, làm giảm giá vàng.
Với mức giá khoảng 2.903,3 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 90,99 triệu đồng/lượng, như vậy, vàng thế giới cao hơn khoảng 0,19 triệu đồng/lượng so với vàng trong nước.
![]() |
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay tăng mạnh lên mức 106,75 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 18/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.602 đồng/USD, tăng 25 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.372 – 25.832 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.422 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.782 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.330 – 25.720 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.610 đồng/USD và bán ra là 25.710 đồng/USD.