Giá vàng hôm nay ngày 16/1: Vàng thế giới "bốc đầu", trong nước chạm mốc 87 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay ngày 16/1: Vàng thế giới "bốc đầu", trong nước chạm mốc 87 triệu đồng/lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh vàng thế giới tăng tốc mạnh, tiệm cận mốc 2.700 USD/ounce sau báo cáo CPI của Hoa kỳ, giá vàng trong nước đồng loạt vọt tăng gần nửa triệu đồng/lượng ngay khi mở cửa sáng 16/1. 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 200.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 16/1 tăng 400.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 85,0 – 87,0 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay cũng tăng 400.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 85,45 – 86,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 18,8 USD lên 2.696,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng nhẹ 0,7 USD lên 2.697 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 2/2025 trên sàn Comex New York tăng 35,5 USD, tương ứng tăng 1,32% lên mức 2.717,8 USD/ounce.

Vàng tăng mạnh sau báo cáo lạm phát của Hoa Kỳ không quá tích cực, cùng thông tin hỗ trợ từ thị trường bên ngoài quan trọng khi chứng kiến chỉ số đô la Mỹ giảm.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, lạm phát tháng 12 tăng 0,4%, vượt mức tăng 0,3% của tháng 11 và ước tính đồng thuận của các nhà phân tích là 0,3%. Tỷ lệ lạm phát hàng năm là 2,9% trước khi điều chỉnh theo mùa. CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, cho thấy mức tăng hàng năm là 3,2%, thấp hơn một chút so với mức dự kiến ​​là 3,3%.

Báo cáo CPI tháng 12 kết hợp và báo cáo PPI ngày hôm qua cho thấy rằng mặc dù áp lực giá không giảm nhanh chóng, nhưng chúng cũng không cho thấy dấu hiệu tăng tốc trở lại. Bức tranh sắc thái này có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Cục Dự trữ Liên bang đối với chính sách tiền tệ trong những tháng tới.

Dữ liệu lạm phát mới nhất và phản ứng của thị trường nhấn mạnh vai trò truyền thống của vàng như một công cụ phòng ngừa lạm phát, đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư trước sự bất ổn về kinh tế và chính trị. Khi chính sách kinh tế thay đổi và mối lo ngại về lạm phát vẫn tiếp diễn, kim loại quý này vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, cho thấy động lực bền vững trên thị trường vàng đến năm 2025.

Nhìn về phía trước, triển vọng của vàng có vẻ đặc biệt lạc quan, được hỗ trợ bởi một số chất xúc tác tiềm năng. Các chính sách kinh tế được đề xuất của chính quyền Trump sắp tới, bao gồm thuế quan mới và cắt giảm thuế bổ sung, có thể thúc đẩy áp lực lạm phát. Các yếu tố này, bao gồm cả sự yếu kém của đồng đô la, có thể đẩy giá vàng vượt qua mức cao kỷ lục 2.800 USD/ounce và đạt 3.000 USD/ounce vào quý III năm nay.

Với mức giá khoảng 2.697 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 83,98 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 3,02 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay tăng mạnh lên mức 109,55 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 16/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.333 đồng/USD, giảm 5 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.116 – 25.550 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.159 – 25.549 đồng/USD.

Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.620 đồng/USD và bán ra là 25.720 đồng/USD.