Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 100.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 15/7 tại Hà Nội giảm 150.000 đồng ở chiều mua và giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,5 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,5 – 67,2 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng giảm 50.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 55,83 – 56,68 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm 5,7 USD xuống 1.954,3 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York nhích nhẹ 0,6 USD, tương ứng tăng 0,03% lên 1.964,4 USD/ounce.
Lạm phát yếu là động lực chính giúp thị trường xác lập mức cao nhất trong 3 tuần và trở lại trên mốc 1.950 USD/ounce giúp tâm lý thị trường một lần nữa chuyển sang trạng thái lạc quan.
Tuy nhiên, thị trường vàng sẽ vẫn rất nhạy cảm với triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, vì vậy còn quá sớm để dự đoán một đợt tăng giá của vàng sau khi giá tăng hơn 30 USD trong tuần, theo các nhà phân tích.
Chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coins Everett Millman nói với Kitco News: “Fed sẽ thúc đẩy thị trường vàng trong vài tháng tới. Và lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ có tác động tiêu cực đến giá. Phản ứng hiện tại của vàng có nghĩa là hoặc tất cả các lần tăng lãi suất đều chưa được định giá hoặc có thể kỳ vọng của thị trường không phù hợp với thực tế".
Fed vẫn đang lên kế hoạch tăng lãi suất ít nhất hai lần trong năm nay, với kỳ vọng của thị trường về cuộc họp tháng 7 là 96% cơ hội tăng 25 điểm cơ bản. Lần tăng lãi suất thứ hai vẫn chưa được định giá, đó là lý do tại sao các nhà phân tích vẫn thận trọng về vàng trong ngắn hạn.
Mặc dù câu chuyện về lạm phát đang bắt đầu có vẻ tốt hơn, nhưng đó vẫn chưa phải là một thỏa thuận đã xong, đặc biệt là khi giá năng lượng tăng đột biến. Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities cảnh báo: "Gần đây chúng ta đã chứng kiến giá dầu tăng đáng kể khi OPEC tiếp tục giảm nguồn cung. Lợi ích lớn mà chúng ta nhận được từ năng lượng rẻ hơn có thể đảo ngược ở một mức độ nào đó trong những tháng tới".
Thêm vào đó, không có khả năng Fed sẽ nhanh chóng thay đổi luận điệu diều hâu của mình vì nó ảnh hưởng đến uy tín trong tương lai.
"Tôi nghi ngờ việc Fed bắt đầu nới lỏng chính sách nhanh như thị trường nghĩ. Dữ liệu có thể gây bất ngờ cho xu hướng tăng và Fed sẽ kiên quyết giữ vững chính sách của mình. Đó có thể sẽ là một vấn đề đối với vàng", Melek lưu ý.
Với mức giá khoảng 1.954,3 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 56,72 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 10,5 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 99,75 điểm.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua niêm yết ở mức 23.720 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.534 – 24.906 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.856 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.400 – 23.900 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.660 đồng/USD và bán ra là 23.710 đồng/USD.