Sau khi giảm 850.000 đồng/lượng chiều mua vào và 700.000 đồng/lượng chiều bán ra trong ngày hôm qua, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 1/3 đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 45,00 – 45,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Còn tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 45,00 – 45,80 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính chung từ đầu tuần, giá vàng SJC đã giảm 600.000 đồng/lượng chiều mua vào và 250.000 đồng/lượng chiều bán ra. Còn so với mức đỉnh lịch sử đạt được trên 49 triệu đồng/lượng, thì giá vàng đã mất tới trên dưới 4 triệu đồng/lượng.
Mặc dù vậy, tính trong cả tháng 2 vừa qua, giá vàng SJC vẫn tăng 850.000 đồng/lượng chiều mua vào và 1,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tương ứng từ mức 44,15 - 44,57 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay cũng không đổi so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 44,70 – 45,80 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 58,7 USD xuống 1.585,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 55,2 USD xuống 1.587,3 USD/ounce.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu đã lao dốc bị bán tháo rất mạnh, khi giới đầu tư cảm thấy không an toàn đối với tình hình kiểm soát dịch Covid-19 trên thế giới và đổ xô thu tiền về tài khoản.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu trên toàn cầu do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng khiến dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư hàng hóa, qua đó, giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro như chứng khoán, hoặc trú ẩn như vàng.
Mặc dù có phiên giảm rất sâu, nhưng giới phân tích cho rằng, nhu cầu trú ẩn vào vàng vẫn còn rất lớn, và xu hướng nới lỏng tiền tệ tại nhiều ngân hàng trung ương lớn sẽ thúc đẩy giá vàng lên ngưỡng 1.700 USD/ounce, thậm chí, có dự báo nhận định, nếu việc lây lan của virus Corona khó được kiểm soát thì giá vàng có thể lên tới 2.000 USD/ounce.