Giá vàng hôm nay ngày 11/9: Vàng nhẫn lấy lại mốc kỷ lục

Giá vàng hôm nay ngày 11/9: Vàng nhẫn lấy lại mốc kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi vàng SJC vẫn "bất động" thì vàng nhẫn tiếp đà tăng của vàng thế giới và đã lấy lại mốc kỷ lục sát ngưỡng 79 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi đi ngang trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 11/9 chưa có biến động nào, hiện niêm yết lần lượt ở mức 78,5 – 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 77,48 – 78,63 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 10,3 USD lên 2.516,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng nhẹ 1,7 USD lên 2.518,4 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York tăng 10,4 USD, tương ứng tăng 0,41% lên mức 2.543,1 USD/ounce.

Giá vàng ghi nhận mức tăng khá khiêm tốn khi biểu đồ kỹ thuật tăng giá đang hạn chế áp lực bán đối với kim loại quý này. Tuy nhiên, người mua vàng vẫn còn do dự vì chỉ số đô la Mỹ vẫn tăng trong khi giá dầu thô đang giảm mạnh.

Động lực giúp giá vàng ghi nhận 2 ngày tăng liên tiếp đến từ nhiều yếu tố, trong đó trọng tâm chính là cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Sự phục hồi của kim loại quý này diễn ra khi các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020.

Mặc dù việc cắt giảm lãi suất có vẻ chắc chắn, nhưng quy mô vẫn còn gây tranh cãi. Công cụ FedWatch của CME chỉ ra khả năng 69% sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp FOMC ngày 18/9, với khả năng 31% sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản mạnh mẽ hơn.

Bất kể quy mô chính xác là bao nhiêu, sự thay đổi của Fed từ chính sách tiền tệ hạn chế sang chính sách tiền tệ thích ứng là rõ ràng. Sự thay đổi này phần lớn hỗ trợ giá vàng, vì lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.

Hiện thị trường đang chú ý tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 sẽ được công bố vào hôm nay. Theo MarketWatch, các chuyên gia dự đoán báo cáo sẽ cho thấy lạm phát giảm xuống còn 2,6% hàng năm, giảm so với mức 2,9% của tháng 7. Điểm dữ liệu này có thể củng cố thêm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất và có khả năng tác động đến giá vàng.

Sự kết hợp giữa thị trường việc làm suy yếu, lạm phát giảm và sự thay đổi sắp xảy ra trong chính sách của Fed đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho vàng. Là một biện pháp phòng ngừa truyền thống chống lại sự bất ổn kinh tế và lạm phát, vàng thường được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn và tình hình kinh tế bất ổn.

Với mức giá khoảng 2.518,4 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 76,05 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 4,45 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 101,66 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 11/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.212 đồng/USD, tăng 18 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.001 – 25.423 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.372 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 24.410 – 24.780 đồng/USD.

Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.140 đồng/USD và bán ra là 25.240 đồng/USD.

Tin bài liên quan