Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 500.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 11/10 chưa có biến động nào, hiện niêm yết lần lượt ở mức 82,5 – 84,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chưa có biến động ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 81,98 – 82,88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua qua tại Mỹ tăng 22,2 USD lên 2.629,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng 7,7 USD lên 2.637,6 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York tăng 13,3 USD, tương ứng tăng 0,51% lên mức 2.639,3 USD/ounce.
Vàng tăng mạnh sau báo cáo lạm phát của Hoa Kỳ được coi là không vấn đề gì mặc dù chỉ “ấm” hơn một chút so với dự kiến và sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Hoa Kỳ tăng bất ngờ.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ trong tháng 9 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo là 2,3% và CPI cốt lõi tháng 9 tăng 3,3% so với mức tăng 3,2% của tháng 8. Những dữ liệu này được coi là có lợi cho thị trường kim loại và không có khả năng thay đổi quỹ đạo của chính sách tiền tệ dễ dàng hơn của Cục Dự trữ Liên bang vào cuối năm.
Theo các nhà phân tích tại Secure Digital Markets, dữ liệu chỉ số CPI tháng 9 đã làm thay đổi kỳ vọng của thị trường, nâng khả năng cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 11 lên 86% từ mức 80% chỉ trong ngày hôm trước, với kỳ vọng cắt giảm vào tháng 12 cũng tăng lên 88% từ mức 79%.
Bên cạnh đó, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Chantelle Schieven, Trưởng phòng nghiên cứu tại Capitalight Research lưu ý nhà đầu tư, sự bất ổn địa chính trị vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ kim loại quý này.
“Căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể dễ dàng đẩy giá vàng tăng thêm 10% như một số tài sản trú ẩn an toàn. Trong kịch bản này, mốc 3.000 USD/ounce không còn xa nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy mức tăng 10% đó giảm trở lại nếu căng thẳng giảm xuống”, bà nói.
Ngoài sự bất ổn về địa chính trị, bà Schieven cho rằng mối đe dọa của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu là mối nguy hiểm lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. “Các ngân hàng trung ương không thể giữ lãi suất ở mức cao như vậy, do đó, chỉ có thêm sự không chắc chắn về lạm phát. Theo quan điểm của tôi, chỉ riêng yếu tố này sẽ giúp kim loại quý duy trì thị trường tăng giá trong vài năm tới”, bà nói.
Với mức giá khoảng 2.637,6 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 80,44 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 4,06 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 102,88 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 11/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.175 đồng/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.966 – 25.384 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.333 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 24.630 – 25.020 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.250 đồng/USD và bán ra là 25.350 đồng/USD.